Hải Phòng: Làng nghề gói bánh chưng 'đỏ lửa' suốt dịp giáp Tết

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, làng nghề gói bánh chưng ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng dự kiến cung cấp ra thị trường gần 30.000 chiếc bánh.

Từ giữa tháng Chạp năm 2023, làng nghề gói bánh chưng ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng bắt đầu vào thời gian cao điểm gói bánh phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Về đây vào dịp này, khách phương xa có dịp được đắm mình trong bầu không khí đặc quánh mùi của gạo nếp, lá dong, lá chuối hột, thịt lợn, đỗ xanh. Nhất là hương thơm không lẫn vào đâu được của những mẻ bánh đang sôi sùng sục trong nồi.

Các bậc cao niên ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng gói bánh chưng theo cách truyền thống của quê hương.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, cho biết, nghề gói bánh chưng ở địa phương có từ hàng trăm năm qua. Trước đây, cả làng có hàng trăm hộ gói bánh rồi đưa ra chợ bán quanh năm.

Đến dịp Tết Nguyên đán, họ lại lựa chọn cẩn thận lựa chọn từ gạo nếp, muối, đỗ xanh, thịt lợn đến lá dong, lá chuối hột để gói những chiếc bánh chưng chặt tay, vuông vức, thơm ngon phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện Thủy Nguyên.

Đến nay, toàn xã Thủy Đường có 5 cơ sở gói bánh chưng lớn. Hàng ngày, những cơ sở này đưa ra thị trường hơn 500 chiếc bánh chưng nhỏ với mức giá 20.000 - 30.000 đồng/chiếc. Riêng bánh chưng Tết với trọng lượng khoảng 1,2 kg/cái, có giá 70.000 - 100.000 đồng/chiếc.

Trong số 5 cơ sở gói bánh chưng kể trên, lớn nhất là cơ sở của gia đình anh Nguyễn Tất La ở thôn Bấc 2, xã Thủy Đường, dự kiến đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 7.000 chiếc bánh chưng. Các cơ sở còn lại, trung bình 2.000 - 3.000 chiếc/cơ sở trong dịp Tết này.

Cảnh luộc bánh chưng thường thấy ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng xưa kia mới được địa phương phục dựng.

Ngoài các cơ sở kể trên, dịp Tết này, nhiều gia đình ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng gói bánh chưng với số lượng trung bình 200 - 300 chiếc/gia đình theo đặt hàng của bạn bè, người thân. Ước tính, các hộ gói bánh chưng ở xã Thủy Đường đưa ra thị trường Tết gần 30.000 bánh chưng.

Đến nay, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như để công việc bớt vất vả hơn, các cơ sở gói bánh chưng lớn ở Thủy Đường dùng nồi điện thay thế bếp củi, bếp than để luộc bánh. Chiếc nồi luộc bánh chưng bằng điện lớn nhất ở xã Thủy Đường là của gia đình anh Nguyễn Tất La, có thể luộc tới 400 chiếc bánh chưng mỗi lần kéo dài 10 - 12 tiếng.

Tuy nhiên, tất cả các công đoạn còn lại, người làm nghề gói bánh chưng ở xã Thủy Đường vẫn theo truyền thống. Lớp lá bên trong dùng lá chuối hột để tạo vị thơm, bao ngoài bằng lá dong cho bánh có hình dáng đẹp. Người Thủy Đường cũng không gói bánh bằng khuôn, mà dùng chính đôi tay khéo léo tạo hình vuông vức cho bánh (người dân địa phương gọi là gói vo). Trước đó, họ phải lựa chọn kỹ gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh.

Theo ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, người dân Thủy Đường không bao giờ dùng nước máy, nước giếng khoan hay nước sông để luộc bánh. Xưa nay, họ chỉ dùng nước mưa hoặc nước giếng làng nổi tiếng trong, ngọt. Chính điều này đã tạo hương vị riêng biệt cho bánh chưng Thủy Đường khiến thực khách trong và ngoài huyện Thủy Nguyên mê mẩm.

Không chỉ được tiêu thụ trong nước, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng nghìn chiếc bánh chưng Thủy Đường đã theo chân các Việt kiều đem hương vị Tết cổ truyền quê hương tới cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài.

Xưa kia người dân xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng luộc bánh chưng trong nồi đồng, dùng nước ao làng hoặc nước mưa chứa trong bể, cóng.

“Đầu tháng 12 Âm lịch vừa qua, UBND xã Thủy Đường phối hợp tổ chức phục dựng cách gói bánh chưng theo truyền thống. Ngoài các công đoạn như chọn gạo, thịt, lá, chúng tôi dùng nồi đồng để luộc bánh như xưa. Buổi trình diễn thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo khách du lịch trong và ngoài huyện.

Dự kiến, những dịp giáp Tết Nguyên đán tới, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình tương tự để tạo nét riêng độc đáo thu hút khách du lịch cũng như giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương”, ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đường chia sẻ.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-lang-nghe-goi-banh-chung-do-lua-suot-dip-giap-tet-a647769.html