Hải Phòng khôi phục hội thi hoa thủy tiên dâng cúng Nữ tướng Lê Chân

Sau hơn 80 năm gián đoạn, Hải Phòng khôi phục hội thi hoa thủy tiên truyền thống, chọn những bông hoa đẹp nhất dâng cúng Nữ tướng Lê Chân Thánh mẫu của người đất cảng.

Chiều 16-3, tại đền Nghè – di tích lịch sử cấp quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với CLB Hoa thủy tiên Hải Phòng tổ chức hội thi hoa thủy tiên.

Các tác phẩm hoa thủy tiên tham dự hội thi. Ảnh: Ngọc Sơn

Đây là hội thi được tổ chức sau hơn 80 năm gián đoạn, và là một trong những hoạt động chính nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm nay, được tổ chức trong 3 ngày, từ hôm nay, ngày 16 đến 18-3 (tức ngày 7 đến ngày 9-2 Âm lịch).

Hội thi hoa thủy tiên nhằm chọn ra những tác phẩm hoa thủy tiên đẹp nhất dâng cúng Nữ tướng Lê Chân. Ảnh: Ngọc Sơn

Hoa thủy tiên là một loài hoa đẹp, có hương thơm thanh khiết. Củ hoa có hình dáng như một củ hành, lá thanh mảnh, cánh hoa màu trắng hoặc màu vàng nhạt, rễ cây tròn đầy, trắng muốt và óng ả.

Với vẻ đẹp như vậy, người dân làng An Biên - cư dân Hải Phòng từ xa xưa đã nghĩ ra việc lập hội chơi hoa thủy tiên, lấy tên là Hoa hữu hội, lựa chọn những bình hoa Thủy Tiên đẹp nhất, lễ dâng lên Thánh mẫu Lê Chân hàng năm.

Các tác phẩm phải trải qua 3 vòng thi gồm vòng giám tuyển, vòng sơ khảo và vòng chung khảo. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo nguồn tư liệu của Hoa hữu hội, hằng năm, cứ đúng vào ngày 8-2 Âm lịch – ngày sinh của Nữ tướng Lê Chân, người trong Hoa hữu hội lại cùng nhân dân làng An Biên khai hội thi hoa thủy tiên. Người xưa quan niệm rằng, nếu hội thi mà tuyển chọn được đúng bình hoa thủy tiên đẹp nhất, sang quý nhất làm lễ dâng lên Thánh mẫu Lê Chân thì đời sống của mọi người nằm trong quyền năng, thế lực bảo trợ của Thánh mẫu sẽ tươi đẹp suốt trong năm.

Đáng tiếc, từ sau cuộc thi hoa thủy tiên năm 1943, hội thi gián đoạn đến nay.

Đánh giá một tác phẩm hoa thủy tiên đẹp sẽ được dựa trên 5 tiêu chí. Đối với củ, các vết cắt gọn gàng không bị nham nhở, màu sắc trắng không bị thâm đen, không thối nhũn, móng rồng xếp lớp. Với lá phải xanh tốt, các vết cắt xén gọn gàng không bị nham nhở, hỗ trợ cho vẻ đẹp của hoa, phân bố hài hòa theo ý đồ tác giả. Ảnh: Ngọc Sơn

Cùng với đó, rễ phải dày dặn, sắc trắng không bị đen đầu rễ, không bị thối nhũn, không cắt gọt, không bị rối, xoắn rễ. Đối với hoa thì có nụ hàm tiếu mà các cụ khác căng đầy chưa nở, có khả năng nở đồng loạt trên 50% tổng số nụ thì đạt hạng ưu. Đối với các bát hoa đã có hoa nở hoặc nụ còn non thì đánh giá theo thẩm mĩ mang lại. Tổng thể tác phẩm phải hài hòa cân đối, có ý tứ, tạo cảm xúc tích cực, có giá trị thẩm mỹ cao. Ảnh: Ngọc Sơn

Trong lần đầu tiên được khôi phục trở lại này, hội thi thu hút hơn 40 tác phẩm đến từ các nghệ nhân ở nhiều tỉnh thành. Các tác phẩm hoa thủy tiên tham dự hội sẽ phải trải qua ba vòng gồm vòng giám tuyển, vòng sơ khảo và vòng chung khảo để chọn ra những bình hoa đẹp nhất.

Các bình hoa đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ được thực hiện nghi lễ dâng vào cung mẫu.

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm nay, còn có các hoạt động chính như lễ, tế và các trò chơi dân gian mà hầu hết ở các lễ hội của Đồng bằng Bắc Bộ đều có như: Cờ tướng, cờ người, bắt vịt, chương trình chợ quê… Chương trình khai mạc Lễ hội được tổ chức vào tối chủ nhật, ngày 17-3.

Trong sáng cùng ngày, Hải Phòng cũng đã tổ chức Lễ Cáo yết, dâng hương Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024

Các gian hàng tại chợ quê được tổ chức với nhiều hoạt động, trong đó có cả hát chèo... Ảnh: Ngọc Sơn

Gian hàng các món ăn địa phương. Ảnh: Ngọc Sơn

Các trò chơi dân gian thu hút nhiều em học sinh tham dự. Ảnh: Ngọc Sơn

Nguồn PLO: https://plo.vn/hai-phong-khoi-phuc-hoi-thi-hoa-thuy-tien-dang-cung-nu-tuong-le-chan-post780782.html