Hai ông Antony Blinken và Tần Cương đối thoại 'thẳng thắn và mang tính xây dựng' tại Bắc Kinh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm Chủ nhật (18/6) đã tổ chức cuộc đàm phán mà cả hai bên gọi là 'thẳng thắn và mang tính xây dựng' về những khác biệt giữa hai bên, đồng thời hứa hẹn có thể sẽ gặp lại nhau ở Washington.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài 5 tiếng rưỡi đồng hồ, sau đó là bữa tối, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh mong muốn có mối quan hệ ổn định và thấu hiểu nhau.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chào đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 6 năm 2023. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ sau 5 năm, ông Blinken nhấn mạnh "sự cần thiết phải giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm" trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Tần Cương.

"Ông Tần Cương đã chỉ ra rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ và là rủi ro nổi bật nhất", truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tần nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi trên diện rộng trong thời gian gần đây bởi những bất đồng về từ thương mại cho đến địa chính trị. Bởi vậy, chuyến thăm của ông Blinken được phần còn lại của thế giới theo dõi chặt chẽ vì bất kỳ sự leo thang nào giữa các siêu cường đều có thể gây ra hậu quả trên toàn thế giới, từ thị trường tài chính, chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.

Trong chuyến thăm của ông Blinken, cả hai bên đều cho biết các cuộc đàm phán là hữu ích, với một phát ngôn viên của Mỹ mô tả chúng là "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng" còn truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả chúng là "thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng".

Ông Tần Cương chào đón ông Antony Blinken tại cửa một biệt thự trong khuôn viên Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, thay vì bên trong tòa nhà như thông lệ. Ông Tần chào hỏi ông Blinken bằng tiếng Anh. Sau đó, họ bắt tay nhau trước một lá cờ Trung Quốc và Mỹ.

Hai ông cũng đã nói về một cuộc gặp lại nhau ở Washington để tiếp tục cuộc trò chuyện vào thời điểm mà cả hai bên đều thấy thuận tiện. Hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp công dân của họ đến quốc gia của nhau dễ dàng hơn, với truyền thông Trung Quốc cho biết họ đồng ý thảo luận về việc tăng các chuyến bay chở khách; chào đón nhiều sinh viên và doanh nhân hơn.

Trong thời gian ở lại đến thứ Hai, ông Blinken cũng dự kiến sẽ gặp nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị của Trung Quốc và có thể là cả Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quang cảnh cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Các quan chức Mỹ kỳ vọng chuyến thăm của ông Blinken sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp song phương giữa Washington và Bắc Kinh trong những tháng tới, bao gồm các chuyến đi có thể có của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Đặc biệt nó có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm nay. Ông Biden và Ông Tập đã tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tại Indonesia.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying, người đã tham dự cuộc họp, đã tweet rằng: "Hy vọng cuộc gặp này có thể giúp đưa quan hệ Trung Quốc - Mỹ trở lại những gì hai Tổng thống/Chủ tịch đã nhất trí ở Bali".

Kể từ tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết mục tiêu chính của ông Blinken là thiết lập các kênh liên lạc cởi mở và bền vững để đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước không biến thành xung đột.

Hoàng Anh (theo Tân Hoa Xã, Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hai-ong-antony-blinken-va-tan-cuong-doi-thoai-thang-than-va-mang-tinh-xay-dung-tai-bac-kinh-post252217.html