Hai nguyên nhân khiến 'trên bảo dưới khó nghe' ở nam giới

Trong số những bệnh nhân đến khám tại phòng mạch vì “trên bảo dưới không nghe” thì tỷ lệ “trên bảo dưới lúc nghe lúc không” khá cao.

Ảnh có tính chất minh họa

Khi đơn vị Nam khoa mới thành lập, số bệnh nhân đến khám tại khoa vì căn bệnh "trên bảo dưới không nghe" ban đầu khoảng 100 người/ngày.

Sau một năm, số bệnh nhân đến khám tại đây tăng lên 500 người/ngày. Nay, lượng phòng khám tăng lên gần gấp 10 mà số bệnh nhân ngồi chờ khám từ sáng sớm đến chiều tại đây lúc nào cũng kín phòng chờ.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới khó nghe” này, một là do động mạch, hai là do tĩnh mạch. Nguyên nhân chính của tình trạng trên bảo dưới lúc nghe lúc không này phần lớn do xơ vữa động mạch, chuyên môn chúng tôi gọi là rối loạn cương dương thực thể.

Biểu hiện bệnh là thời gian cần để cương kéo dài hơn, độ cứng giảm, không duy trì cương được lâu. Các nguy cơ toàn thân về mạch máu khác có thể kèm theo như tăng huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và tăng cholesterol máu.

Một số bệnh toàn thân làm giảm áp lực tâm thu, sự tưới máu vào dương vật không đầy đủ (như bệnh huyết áp hạ thấp) có thể gây rối loạn cương dương.

Chấn thương kín tầng sinh môn, chấn thương khung chậu, gãy dương vật cũng có thể gây ra bệnh động mạch tắc nghẽn khu trú tại động mạch dương vật chung hoặc động mạch thể hang.

Bệnh chít hẹp động mạch chủ ở chỗ phân nhánh động mạch chậu (Hội chứng Leriche) cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng khó khăn cho quý ông thể hiện bản lĩnh. Nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch.

Các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch bao gồm: tuổi (thường gặp ở lứa tuổi 55- 60, tuy nhiên ngày nay, tình trạng này ngày càng trẻ hóa xuống từ 40 tuổi đã có thể mắc); hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng homocystein máu… là những lý do tăng nặng bệnh.

Khi mắc phải tình trạng này bệnh nhân thường có cảm giác đau rút cơ, xuất hiện khi gắng sức, sau khi đi một quãng đường nhất định, giảm và hết đau khi dừng lại, và tái xuất hiện trở lại với cùng một mức gắng sức, ở cùng một khoảng cách đi.

Vị trí đau giúp gợi ý động mạch bị tổn thương: Đau ở vùng mông hoặc đùi, chứng tỏ bị tổn thương động mạch chậu. Đau ở bắp chân khả năng tổn thương đoạn động mạch đùi - khoeo. Đau ở bàn chân là các động mạch ở cẳng chân bị tổn thương.

Stress hay lo lắng làm tăng trương lực cơ trơn, làm yếu chức năng tĩnh mạch có thể cũng có thể gây nên khó xử cho bản lĩnh đàn ông.

Khi tĩnh mạch bị tổn thương, tim suy sẽ gây thiếu máu cục bộ mạn tính, chuyển hóa collagen bất thường, làm gia tăng mô liên kết thể hang và xơ hóa mô cương, làm giảm giãn nở mô cương và giảm sự căng của các tiểu tĩnh mạch dưới bao trắng, làm khó duy trì cương.

Do hiện tượng thoát máu quá nhanh vùng vật hang làm cho vật hang không đủ máu để kịp phồng to rồi cương cứng. Thường gặp trong một số bệnh: có các đường rò tĩnh mạch từ vật hang, có nhiều tĩnh mạch tân tạo từ vật hang làm cho vật máu từ vật hang trở về quá nhanh hệ tĩnh mạch trung ương.

Bệnh không khó điều trị, tuy nhiên, cùng với chế độ thuốc men do bác sĩ chỉ định, bệnh nhân cần có chế độ luyện tập thể dục phù hợp.

Ví dụ với các bệnh nhân xơ vữa động mạch, cần đi bộ từ 2- 3km/ngày, tối thiểu 30 phút/ngày nhằm làm tăng hiệu quả hoạt động của cơ (tăng tưới máu), và tăng khả năng tạo thành các mạch máu bàng hệ. Với các bệnh nhân suy giảm chức năng tĩnh mạch cần tránh đứng lâu, tránh ngồi lâu, không tắm nước nóng, tránh táo bón.

Khi nằm nên gác chân cao khoảng 15 phút từ 3 đến 4 lần trong ngày, đồng thời luyện tập những môn thể thao có động tác di động cổ chân nhiều và co các cơ cẳng chân và cơ đùi như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp...

Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - BV Bình Dân
Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.com/nam-gioi/hai-nguyen-nhan-khien-tren-bao-duoi-kho-nghe-o-nam-gioi-a20160817111216937c337.htm