Hai người người đồng đội lại thành thông gia

Ông Vui đang chuẩn bị quần áo để đưa bà Vẻ đi tắm. Một bàn tay của ông bị cụt, nên động tác bị ngượng nghịu khó khăn. Y tá Dịu nhìn thấy vậy liền bảo:

- Bác ơi, để cháu giúp bác đưa bác gái đi tắm ạ. Bây giờ cháu cũng không bận việc nữa rồi.

Ông Vui ngại ngần:

- Vậy thì phiền cho cháu quá...

- Có gì mà phiền hở bác. Dịu trả lời. Cháu là con gái, cũng như cháu phục vụ mẹ cháu ở nhà thôi mà. Nói rồi, cô cho quần áo của bà Vẻ vào túi, Dịu ghé vai, dìu bà bệnh nhân đi vào nhà tắm.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Tác giả sưu tầm trên MXH.

Ông Vui nhìn theo cô y tá đẹp người, tốt tính, nhiệt tình giúp đỡ người bệnh với ánh mắt trìu mến. Ông cất tiếng nhẹ nhàng:

- Bác cảm ơn cháu.

Đêm hôm ấy, sau khi đi kiểm tra hết lượt các bệnh nhân, y tá Dịu đến thăm bà Vẻ là người cuối cùng. Buồng bệnh theo yêu cầu của bà Vẻ nằm, chỉ bố trí một giường bệnh nhân. Thấy y tá đến, ông Vui bảo:

- Cháu ngồi đây chơi với bác gái, bác sang buồng bên, uống nước trà với ông bạn già.

Bà Vẻ phẫu thuật phụ khoa mới có ba ngày, nhưng can thiệp bằng thủ thuật nội soi, nên hồi phục sau mổ nhanh chóng. Bà rất vui khi có nhân viên trẻ, ngoan đã giúp đỡ mình đến trò chuyện. Bà hỏi thăm Dịu:

- Nhà cháu có xa bệnh viện hay không, rồi bà hỏi thăm tình hình bố mẹ của cô.

Dịu từ tốn đáp:

- Dạ, nhà cháu ở thị xã cũng gần viện này thôi ạ. Bố cháu còn đang trong quân đội, công tác ở tỉnh đội, còn mẹ cháu dạy học ạ...

Ngừng một lát, Dịu hỏi thăm:

- Bác ơi, bác trai nhà ta là thương binh phải không ạ?

Có người quan tâm đến nhà mình, bà Vẻ sôi nổi hẳn lên. Bà chậm rãi kể:

- Đúng rồi. Bác trai là thương binh cháu ạ. Bác ấy tên là Vui. Vợ chồng bác mang cái tên là “Vui – Vẻ”, nhưng thưc ra vui thì ít, mà nhiều nỗi thăng trầm lắm. Bác trai bị thương binh ở chiến trường miền Nam cháu ạ. Bác bị cụt một bàn tay, lại bị vết thương ở sọ não là nặng hơn, thỉnh thoảng trái gió trở trời, bác ấy lên những cơn co giật...

Nghe nói vậy, Dịu đáp lời:

Vậy thì bác Vui phải cần có người chăm sóc, nuôi dưỡng...

Bà Vẻ liền chia sẻ:

- Đúng thế! Trước đây, bác Vui nằm an dưỡng ở đoàn an dưỡng quân khu, thời gian hơn một năm cháu ạ. Khi tỉnh táo, bác Vui đã nói chuyên với các bác cùng phòng, là không sẽ lấy vợ nữa, bác có ý định sẽ gắn bó với trại thương binh suốt đời... Nén cơn xúc động, bà Vẻ lại tâm sự:

- Hai bác đã quen biết và , từ khi cùng làm ở lâm trường Việt Hưng, yêu thương nhau. Trước ngày bác Vui lên đường nhập ngũ, vì điều kiện hai người cùng đi xây dựng kinh tế miền núi, đều ở xa quê; chưa có điều kiện xin phép hai bên gia đình, nên không thể xây dựng gia đình cháu ạ. Hai bác hẹn nhau đến ngày ra quân hay hòa bình thống nhất, thì sẽ về chung một nhà...

Dịu nghe câu chuyện riêng của bà Vẻ, cô xúc động:

- Dạ thưa bác, chiến tranh đã làm cho bao nhiêu đôi lứa xa nhau, không đến được với nhau...

Bà Vẻ lại tiếp tục:

- Biết tin bác Vui nằm ở trạm điều dưỡng, bác liền xin nghỉ phép để đến thăm. Lúc đầu bác trai nhất quyết không chịu gặp bác đâu, nhưng về sau anh em cùng phòng an dưỡng, đã kiên trì động viên, có người bảo mày làm như thế là phụ tình phụ nghĩa người ta đấy. Không yêu thì cũng ra gặp lấy một lần, trả lời thẳng thắn để cho cô ấy đi lấy chồng... Phụ nữ tuổi xuân cos hạn... Bác Vui nói với anh em: có phải tôi không yêu cô ấy đâu; chỉ vì tôi bị tàn phế thế này, nếu mình có lấy, cũng chỉ làm khổ người vợ mà thôi. Nói rồi bác ấy khóc nấc lên... Sau đấy, nể quá bác Vui mới chịu ra gặp bác. Khi gặp nhau, bác ấy còn giả vờ lên cơn, rồi vùng vằng bảo rằng:

- Bà là ai mà đến đây làm phiền tôi!

Nghe nói vậy, bác buồn lắm. Nhưng cũng chỉ vì quá thương bác trai, nước mắt giàn giụa, bác kìm lòng nói lên những lời nấc nghẹn:

- Anh Vui quên rồi sao? Em là Vẻ ở Lâm trường Việt Hưng đây mà...Anh đã hẹn em trước khi lên đường nhập ngũ...là sau này sẽ lấy nhau...

Anh Vui cũng đỏ ngầu hai mắt nói gằn từng tiếng:

- Lấy làm gì cái thằng tàn phế này nữa! Về đi, cô lấy ai mà không được, lấy tôi để mà hầu hạ suốt đời hay sao? Nói rồi, bác Vui ôm hai tay lên đầu, lăn ra giường vật vã, khóc tu tu như một đứa trẻ...

Bác mạnh dạn đến ôm lấy hai vai của bác Vui. Chờ cho bác trai bớt cơn xúc động, bác nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:

- Anh còn sống trở về với em như thế này là may mắn lắm rồi. Dù tàn phế, em cũng sẽ xây dựng gia đình với anh. Em nguyện sẽ ở bên anh, vợ chồng chăm sóc động viên nhau, vui buồn, sướng khổ có nhau; nếu anh không đồng ý lấy em, thì em sẽ ở vậy cho đến hết cuộc đời !...

Những ngày nghỉ phép còn lại sau đấy, một mình bác tự đi đến quê bác Vui và bên nhà bác, để xin hai gia đình, đồng ý cho hai người nên vợ nên chồng.

Nghe câu chuyện của thế hệ cha mẹ mình, Dịu vô cùng xúc động, cô thốt lên:

- Đúng là tình yêu của những người lính và người ở hậu phương thời buổi chiến tranh!

Bà Vẻ lại kể tiếp:

- Sau khi đăng ký kết hôn, bác đón bác Vui về trên lâm trường, sinh sống từ bấy đến nay...

Được cô nhân viên trẻ trung chăm chú nghe câu chuyện của riêng mình, bà Vẻ ân cần hỏi thăm:

- Bố mẹ cháu sinh được mấy anh chị em? Cháu là thứ mấy?

- Dạ thưa bác nhà cháu có hai chị em ạ. Dịu vui vẻ trả lời. Em trai cháu đang đi làm nghĩa vụ quân sự...

Bà Vẻ lại hỏi tiếp:

- Cháu xinh xắn thế này, chắc có gia đình riêng rồi?

Dịu e thẹn trả lời:

- Dạ đẹp gì cháu ạ. Cháu đi học điều dưỡng bốn năm, về đây công tác cũng mới ba năm thôi ạ. Bố mẹ cháu động viên cháu, cứ yên tâm công tác cho tốt, khi nào công việc ổn định thì hãy lấy chồng...

Ông Vui đi uống nước đã về. Nghe thấy hai bác cháu đang nói chuyện như thế, bác góp chuyện:

- Con trai bác đang là lính biên phòng, nếu không chê đời lính vất vả thì về làm dâu nhà bác...

Dịu nhìn bác Vui khiêm tốn thưa:

- Cháu đâu có chê người lính, cháu còn tự hào vì bố cháu suốt đời gắn bó với binh nghiệp chứ ạ. Chỉ sợ con trai bác chê cháu làm nghề y tá thôi ...

Ông Vui nghe cô y tá trả lời như thế thì cười khà khà. Bà Vẻ cũng quên cả cơn đau nơi vết mổ chưa liền...

Vài ngày sau, được tranh thủ qua nhà, Hiền con trai bà Vẻ vào bệnh viện thăm mẹ. Thấy anh chuẩn bị đưa mẹ đi vệ sinh, Dịu đang ở đấy vội vàng bảo:

- Anh để em đưa bác đi cho, việc này em quen rồi.

Hiền thật thà:

- Em giúp mẹ anh vậy, con trai bọn anh không thạo. Phiền em quá đấy.

Dịu ý tứ nhìn anh:

- Có gì mà phiền hở anh?

Sau khi cô y tá giúp đưa mẹ anh đi về sinh xong, Hiền tranh thủ mạnh bạo ướm lời:

- Ước gì có người con gái nào giúp đỡ me anh lúc ốm đau thường xuyên như thế này nhỉ?

Dịu cũng chẳng ngại:

- Anh đẹp trai thế thiếu gì người nộp đơn tình nguyện! Làm y tá như em suốt ngày tiếp xúc với máu mủ, lương thấp “ba cọc ba đồng”!... Ai thèm để ý đến?

- Đâu có! Anh là lính hay phải đi xa. Anh chỉ mong có được người tính tình nết na như em là anh hạnh phúc lắm rồi. Cái tên Dịu bố mẹ đặt cho em sao mà khéo thế, anh không cần bằng cấp cao sang gì cả. Bố mẹ anh trong những ngày nằm viện ở đây, đã rất quý mến em, ông bà bảo chỉ cần một nàng dâu hiếu thảo như em vừa đẹp người lại đẹp nết... Hiền nói liền một mạch...

Dịu cũng thẳng thắn không kém:

- Anh cứ quá khen! Bố mẹ anh quý em, nhưng anh đã hiểu gì về em đâu, mà tấn công nhau liên tục, như bắn tiểu liên hàng tràng như thế, hở ông lính!?

Hiền càng lấn tới:

- Lính mà, đã đánh tới tấp, đánh đến cùng. Không để mất cơ hội em ạ. Dịu ơi! Tình yêu sét đánh mà. Anh đã chết đứ đừ ngay từ cái nhìn đầu tiên khi gặp em rồi. Mà cũng tại cái duyên trời định: cha mẹ đã đặt cho chúng mình cái tên: Dịu – Hiền là một cặp đôi rồi còn gì?

Dịu chân thành đáp:

- Em rất trân trọng tình cảm mà hai bác đã giành cho em trong những ngày vừa qua. Dù thời gian chưa được dài lắm, nhưng em cũng có cảm nhận về tấm lòng của hai bác anh ạ. Đối với hai chúng ta, cần phải có thời gian để tìm hiều về nhau nhiều hơn, về sở thích, tính tình... không nên vội vàng anh ạ. Em đề nghị chúng ta cần phải tìm hiểu nghiêm túc về nhau, trước khi quyết đinh hạnh phúc trăm năm, công việc hệ trọng của cả cuộc đời...

Hiền rất phấn khởi về tính cách rất chững chạc ở người bạn gái mới quen, anh và cô y tá cho nhau địa chỉ liên lạc...

Thư di thư lại trao đều đặn, hai người yêu mến tính cách của nhau. Dịu nhất trí mời Hiền đến thăm gia đình của mình vào một thời gian thuận lợi. Lần nghỉ phép năm, Hiền đến ra mắt bố mẹ của Dịu.

Nhà bố mẹ Dịu ở một xã ven thị xã tỉnh lị, căn nhà xây gọn gàng giữa vườn cây sum xuê cây ăn quả. Hôm nay ngày nghỉ cuối tuần, hai bố mẹ đều ở nhà đón bạn của con gái lần đầu tới nhà thăm.

Dịu đưa anh Hiền vào phòng khách, giới thiệu cho bố mẹ biết.

Hiền lễ phép chào:

- Cháu chào hai bác ạ!

Ông Chung vui vẻ bắt tay chàng trai:

- Chào cháu! À mà chào đồng chí bộ đội chứ nhỉ?

Ông nháy mắt cười. Rồi ông hỏi thăm:

- Nhà cháu ở bên lâm trường Việt Hưng à? Nghe em Dịu nói, bố cháu là thương binh à? Vậy bố cháu tên là gì?

Trong không khí thân tình, cởi mở, Hiền đáp:

- Dạ bố cháu tên là Vui, Võ Nguyên Vui ạ.

Ông Chung lại hỏi thêm:

- Thế bố cháu bị thương ở đâu, là thương binh hạng mấy?

- Dạ thưa bác, bố cháu bị vết thương sọ não và cụt một bàn tay ạ. Bố cháu là thương binh hạng ¼ ạ...

Ông Chung gãi đầu như cố nhớ ra một điều gì. Chợt ông lại hỏi:

- Bố cháu quê ở trên này hay là tỉnh nào ở dưới xuôi, rồi lên định cư ở trên này?

- Dạ đúng ạ. Bố cháu quê dưới Thái Bình, trước khi nhập ngũ là công nhân lâm trường Việt Hưng ạ...

- Thế bố cháu có phải quê ở huyên Tiền Hải hay không? Ông Chung hỏi.

Hiền lại ngạc nhiên trước câu hỏi của ông Chung. Anh lại hỏi lại ông Chung:

- Sao bác biết ạ?

Bác biết một đồng đội tên Vui, đúng rồi ông là Võ Nguyên Vui, có cái họ và tên đệm độc đáo, giống với Bộ trưởng Bộ quốc phòng! ngày ở trong Nam, là đại đội trưởng của bác.

- Vậy thì bố cháu đúng là Võ Nguyên Vui đấy ạ. Có lẽ nào bố cháu và bác lại là người cùng đơn vị? Hay là một sự trùng hợp họ tên nào khác ?

Ông Chung vội vàng kể tiếp:

- Ông Võ Nguyên Vui khi còn là trung đội trưởng đã giới thiệu bác vào Đảng. Bác ấy còn nhận nhau với bác là đồng hương Yên Bái mà, bác bảo tớ là công nhân ở Yên Bái rồi mới vào bộ đội. Bác Vui còn kể chuyện có người yêu là công nhân lâm trường Việt Hưng... Thủ trưởng Vui bị thương vào đầu trong trận đánh vào đồn Phượng Hoàng ở Quảng Trị năm 1968. Bác chỉ nhớ quê ở Tiền Hải, còn xã nào thì lâu rồi không nhớ nổi..

Ngừng giây lát, ông Chung lại tiếp tục kể chuyện, mà như là một lời tâm sự. Ông bảo,.trường hợp bị thương của thủ trưởng Vui thì li kỳ lắm...

- Vâng ạ. Cháu cũng biết bố cháu bị thương năm 1968 vết thương sọ não, còn những điều khác cháu không rõ ạ...

Uống tiếp ngụm nước, ông Chung lại bắt đầu kể câu chuyện chiến đấu, ngoài hai mươi năm trước...

... Hôm ấy, tiểu đoàn ông đánh lên cứ điểm Phượng Hoàng, do một đại đội lính Mỹ canh giữ. Sau khi làm chủ trận địa, đại đội của ông đang bắt những tên tù binh ra hàng, thì bất chợt một tên Mỹ ngoan cố, nổ một phát súng ngắn vào đầu đại đội trường Vui. Ông Vui ngã vật ra tại trận địa, máu chảy ướt bê bết hết cả đầu tóc...

Đơn vị khiêng khẩn trương ông Vui và những người bị thương khác ra tuyến cấp cứu của tiểu đoàn. Đến chỗ cấp cứu, quân y kiểm tra ông Vui không còn thở, mất hết mạch... Người phụ trách đã lệnh cho bộ phận làm công tác chính sách, chuyển ông Vui cùng mấy tử sĩ đến khu vực chôn cất. Tiểu đội của bác được phân công đi chôn các đồng đội ... Lần lượt chôn hết các tử sĩ khác, đến khi nhắc ông Vui lên để khâm liệm thì chợt thấy tử sĩ có tiếng rên khe khẽ... Ông Chung ghé tai vào sát ngực của thủ trưởng, thì còn nghe thấy tiếng tim đập rất khẽ. Thế là mấy anh em bảo nhau, khẩn trương cáng trở lại tuyến quân y, ông Vui đi may ra còn cứu được... Sau đấy, ông chỉ biết có tin thủ trưởng Vui vẫn còn sống, nhưng nằm li bì nhiều ngày. Nghe tin, đã được giao liên chuyển thương ra Bắc...

Như sực tỉnh, ông Chung liền hỏi Hiền:

- Nhà bố mẹ cháu có máy điện thoại hay không?

Hiền đáp:

- Dạ nhà cháu có máy điện thoại bàn ạ. Vậy thì để tôi gặp trực tiếp, xem ông Vui phải là thủ trưởng cũ của tôi không?

Anh Hiền đọc số điện thoại của bố mẹ mình, ông Chung liền quay máy điện thoại. Đầu dây bên kia có tiếng trả lời:

- A lô, ai gọi điện đến nhà tôi thế?

- Vâng tôi đây! Ông Chung trả lời. Tôi hỏi thăm có phải máy nhà ông Vui hay không? Ông Chung còn nhấn mạnh: ông là Võ Nguyên Vui, phải không?

- Ai thế? Sao mà biết tôi? Đầu dây bên kia hỏi lại.

Ông Chung lại hỏi tiếp:

- Ông bị thương khi đánh trận Phượng Hoàng ở Quảng Trị, năm “sáu tám” phải không?

- Đúng vậy. Sao ông biết rõ về tôi như thế? Ông Vui hỏi lại.

- Em đây, em Nguyễn Quang Chung, ngày trước là lính cùng đại đội Một với anh đây... Chung trả lời.

Ngừng một lát, có tiếng trả lời từ đầu máy bên kia:

- Lâu quá rồi mình không nhớ nổi. Sao đồng chí biết mà gọi tới mình?

Ông Chung mừng rỡ thông báo:

- Thằng Hiền con anh nó đang ở nhà em đây, nó đang sang tìm hiểu con Dịu...

Đầu dây bên kia chợt: ngạc nhiên không kém:

- Cháu Dịu là con của đồng đội à! Vậy à...ông Vui thốt lên....

Ông Chung liền đề nghị:

- Anh chị ở nhà, em sẽ đưa xe sang đón anh chị ngay bây giờ...

Dừng điện thoai, ông Chung vội bảo bà Thủy:

- Mẹ con bà đi làm cơm khẩn trương, để anh em tôi gặp nhau. Tôi đi đón thủ trưởng cũ đây!... Nói rồi, ông bảo Hiền cùng về để đón bố mẹ mình. Ông vào nhà xe lái chiếc xe riêng, hai ông c đi đón ông Vui...

Trên đường trở về, ông Chung kể lại tóm tắt trận đánh Phượng Hoàng năm xưa. Rồi ông bảo:

- May mà hôm ấy chúng em chôn cất các đồng đội khác trước, đinh chôn anh là người cuối cùng. Đầu anh tóc đẫm máu tươi, mê man có biết gì đâu. Chúng em nhấc anh lên, đặt vào tăng để khâm liệm, thì nghe thấy tiếng rên rất yêu. Ghé tai vào ngực anh, em thấy tim cũng còn đập rời rạc... Thế là chúng em vội khiêng anh về trạm quân y phía sau... Sau đấy, em chỉ nghe tin anh vẫn mê man, liên tục nhiều ngày thôi...

Ông Vui xúc động:

- May mà các cậu phát hiện ra để cứu sống mình. Bây giờ mình chẳng nhớ gì về trận đánh và những ngày sau đó nữa đâu. Ra tới viện quân y quân khu, mới dần hiểu biết đôi chút. Đến thời gian về đoàn diều dưỡng, được tập luyện mình mới đi lại được và hồi phục trí nhớ...

Rồi quay sang ông hỏi ông Chung:

- Sau thời gian ấy ông đi những đâu?

- Dạ! Chung trả lời. Sau hòa bình em đi học ở trường quân sự, rồi đi chiến đấu ở chiến trường Cam pu chia gần 10 năm. Về nước, em lại được đi đào tạo tiếp. Ra trường em về công tác ở quân khu. Vài năm nay, em được điều về tỉnh đội anh ạ...

- Chúc mừng ông, qua chiến tranh mấy mươi năm vẫn bình an. Ông Vui nói.

Chung đỡ lời:

- Anh cứ gọi là em như ngày xưa cho nó tình cảm. Em cũng bị thương ở bên chiến trường Cam pu chia, nhẹ thôi, chỉ là hạng 4/4.Anh hơn tuổi em, lại là đại đội trưởng của em cơ mà.

- Nhưng bây giờ chú là thủ trưởng tỉnh đội. Ông Vui vừa nói vừa cười...

Chẳng mấy chốc xe đã vào đến nhà. Ông Chung mời vợ chồng ông bà Vui Vẻ vào nhà. Ông cất lời:

- Thưa anh chị, đây là cô Thủy vợ em.

Ông nhìn sang bà Thủy lại nói tiếp:

- Đây là bác Vui đại đội trưởng của anh ngày trước mình ạ. Bác Vẻ là bạn đời của bác Vui, nhà hai bác ở bên lâm trường Việt Hưng, cách nhà mình chưa đến hai chục cây số...

Các ông bà hồ hởi bắt tay nhau. Bên phòng ăn, cỗ bàn đã được dọn ra. Ông Chung liền có ý kiến:

- Thưa hai anh chị. Hôm nay cuộc gặp mặt thật bất ngờ, ngoài cả dự kiến. Vợ chồng em may mắn được đón anh chị lần đầu đến thăm nhà, nhưng lại là người quen, đồng đội cũ. Buổi trưa đã đến, vợ chồng em mời anh chị vào bàn uống chén rượu để mừng cho buổi gặp gỡ này. Với tình cảm người lính, xin anh chị hết sức tự nhiên...

Ông Vui liền đứng dậy. Bàn tay lành cầm lấy bên tay bị cắt cụt , ông đỡ lời:

- Cảm ơn ông Chung, bà Thủy. Hôm nay có cuộc gặp gỡ này ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vợ chồng tôi chỉ nghĩ, cháu Hiền nó đến thăm nhà, ra mắt ông bà. Không ngờ lại được ông bà mời đến luôn. Và sự bất ngờ lớn nhất... ông Vui xúc động ngập ngừng một lát rồi lại tiếp tục: mừng quá, là ông Chung thân sinh ra cháu Dịu lại chính là đồng đội cũ, ân nhân của tôi!. Tôi chẳng biết phải nói như thế nào!... May mà hai cháu Dịu - Hiền tạo cơ hội cho anh em mình gặp nhau. Luôn tiện ông Vui đề nghị:

- Cháu Hiền nhà tôi muốn xin phép tìm hiểu cháu Dịu, vậy xin ông bà cho ý kiến.

Ông Chung đứng lên, nắm chặt tay ông Vui, tiếp lời luôn:

- Có gì mà phải bàn nữa hai anh chị. Cháu Hiền là người lính bảo vệ tổ quốc, tôi duyệt luôn. Ông nhìn về phía bà Thủy thăm dò:

- Nhưng còn ý kiến của bà Thủy thế nào?

Bà Thủy vội vàng đáp:

- Ý kiến của ông cũng là mong muốn của tôi rồi. Hai con nó trưởng thành, đã có nghề nghiệp, việc làm, các con yêu nhau thì xây dựng chứ còn gì nữa..

Ông Chung lại tiếp tục:

- Nhưng còn về cháu Dịu nhà em nữa chứ, em xin hai bác bên ấy cho nhận xét về cháu.

Ông Vui cất tiếng luôn:

- Cháu Dịu đúng là cháu thật dịu dàng, như cái tên mà ông bà đã đặt cho cháu. Cháu nhiệt tình giúp đỡ người nhà, chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, hơn cả những nhiệm vụ chức trách chuyên môn của mình. Tôi cảm ơn ông bà đã nuôi dạy một người con hiếu thảo, nết na như thế.

Được nghe những lời trò chuyện của hai bên bố mẹ, Hiền – Dịu cùng đứng lên hứa hẹn:

- Cảm ơn bố mẹ hai bên đã vun đắp cho hai đứa chúng con. Xin hứa với cả nhà, chúng con sẽ xây dựng gia đình hạnh phúc...

Hai ông lính già cùng đứng lên bắt tay nhau. Ông Chung đề nghị: mọi người, cùng đứng lên nâng cốc chúc mừng hạnh phúc cho hai bạn trẻ.

Uống cạn li rượu, ông Chung ôm chặt lấy người đại đội trưởng ngày trước vào mình, ông sung sướng reo lên:

- Hai anh em mình ngày trước là đồng đội, nay lại là thông gia! Cảm ơn trời đất se duyên cho các con trăm năm hạnh phúc...

Ngày 4/7/2023

Đ Q B.

..Trái tim người lính.

Truyện ngắn của Đỗ Quang Bình

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hai-nguoi-nguoi-dong-doi-lai-thanh-thong-gia-a19714.html