Hai lần chạy ECMO cứu sống thần kỳ người phụ nữ có trái tim 'siêu nhạy cảm'

Hơn 1 năm, hai lần rơi vào tình trạng nguy kịch, nữ bệnh nhân 47 tuổi được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị giúp hồi sinh thần kỳ bằng kỹ thuật ECMO.

Sáng 11/5, BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh, Phó khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống nữ bệnh nhân N.T.H. (47 tuổi, trú xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong)

Tháng 2/2023, chị H. vào viện với tình trạng viêm cơ tim cấp, biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp thất. Các bác sĩ tiến thành can thiệp ECMO lần 1 thành công, giúp bệnh nhân hồi phục. Bệnh nhân tái khám nhiều lần và đến khám tại Trung tâm điều trị theo yêu cầu và Quốc tế (Bệnh viện Trung ương Huế) cho kết quả bình thường.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, được các bác sĩ can thiệp bằng kỹ thuật ECMO.

Tuy nhiên, đến 4h52 ngày 15/4/2024, bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nặng. Bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập, dùng các thuốc trợ tim, vận mạch nhưng các kỹ thuật hồi sức thông thường không có kết quả.

Nhận định đây là trường hợp viêm cơ tim tối cấp, biến chứng sốc tim, tổn thương phổi ARDS tiến triển suy đa tạng nếu không can thiệp kịp thời sẽ tử vong, hội chẩn viện quyết định triển khai kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) quyết tâm cứu sống bệnh nhân.

Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục thần kỳ.

BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh cho biết, khó khăn nhất khi can thiệp ECMO trong trường hợp này là bệnh nhân đang nguy kịch, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, đe dọa ngừng tuần hoàn nên không thể chọc mạch để can thiệp ECMO như các bệnh nhân khác, cần phải phẫu thuật mở mạch máu.

"Dưới sự chỉ sự chỉ đạo trực tiếp của BSCK2 Phan Xuân Nam, Giám đốc bệnh viện, kíp mạch máu đứng đầu là TS. Trương Vĩnh Quý đã phẫu thuật mở động mạch đùi tạo đường vào, kíp ECMO do ThS.BS Lê Văn Lâm triển khai can thiệp ECMO để ngay lập tức cứu bệnh nhân trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc", BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh nói.

Sau 1 tuần điều trị kết hợp giữa kỹ thuật ECMO và kỹ thuật lọc máu liên tục, chức năng tim phổi bệnh nhân được cải thiện ngoạn mục. Sau 3 tuần trị, bệnh nhân được ra viện trở về cuộc sống thường nhật trong niềm vui sướng của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ.

Bệnh nhân tươi cười cùng bác sĩ trước lúc ra viện.

BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh cho biết, kỹ thuật ECMO hiện được xem là kỹ thuật đỉnh cao của hồi sức, là phương tiện cứu cánh cuối cùng ở một số ca bệnh nặng. Để triển khai kỹ thuật này phải có 1 ê-kíp chuyên sâu được đào tạo bài bản và gồm nhiều chuyên khoa khác nhau, chi phí vận hành một cuộc ECMO cũng rất lớn.

"Một bệnh nhân nặng can thiệp ECMO 1 lần thành công đã hiếm, nay bệnh nhân N. được can thiệp ECMO đến 2 lần, do vậy đây là bệnh nhân cực kỳ hiếm", BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh cho hay.

Theo BSCKI Hoàng Ngọc Huỳnh, có thể nói trái tim bệnh nhân 'siêu nhạy cảm' với một loại virus, nên khi nhiễm loại virus đó, ngay lập tức bệnh diễn tiến nặng và trở nên nguy kịch. Nên ngay khi ra viện, trên đường trở về nhà, bệnh nhân được tiêm 1 liều vaccine cúm mùa với hy vọng sẽ giảm được phần nào yếu tố nguy cơ.

BSCKII Phan Xuân Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, ECMO là kỹ thuật khó, chuyên sâu, cần phương tiện máy móc hiện đại, thường được triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương, các trung tâm hồi sức lớn.

Bệnh viện triển khai và làm chủ kỹ thuật ECMO từ năm 2022 và cho kết quả cứu được các ca bệnh nặng. Trước đó những bệnh nhân này đều tử vong hoặc tử vong trên đường chuyển lên tuyến trên. Điều này có thể khẳng định trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ tại bệnh viện trong điều trị những bệnh nặng đến rất nặng.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-lan-chay-ecmo-cuu-song-than-ky-nguoi-phu-nu-co-trai-tim-sieu-nhay-cam-16924051107590602.htm