Hải Dương lấy ý kiến tham gia xác nhận liệt sĩ

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đề nghị các cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể tham gia ý kiến về 3 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ tại Chí Linh và Thanh Miện.

Thực hiện việc triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 3 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ do Ban Chỉ đạo xác nhận người có công TP Chí Linh và huyện Thanh Miện đề xuất.

Đó là trường hợp các ông: Nguyễn Văn Liên, Đào Bá Thụ và Nguyễn Viết Luyện.

Ông Nguyễn Văn Liên, sinh năm 1925, ở thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi (Chí Linh). Ông tham gia cách mạng ngày 3.4.1945. Hy sinh ngày 9.9.1951 tại Bốt Bàng Khoa (Bảng Khoa), xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Khi hy sinh ông làm Trưởng ban Thanh niên xã Lê Lợi. Một số người cùng tham gia hoạt động cách mạng với ông Nguyễn Văn Liên xác nhận: “Những năm 1947-1948 và cuối năm 1950 đầu 1951 là thời kỳ Pháp hoạt động mạnh, chúng thực hiện âm mưu dồn dân, lập vành đai trắng. Ông Liên được tổ chức Đảng phân công bám sát dân ra vùng tề, tại thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo để làm nhiệm vụ bí mật, tuyên truyền đường lối của Đảng, chống lại cuộc dồn dân, lập vành đai trắng và vận động nhân dân không đóng thuế cho Pháp, không đi lính cho Pháp. Ngày 17.7.1951, ông Liên bị giặc Pháp bắt, chúng nhốt tại đồn Phả Lại sau đó chúng đưa đi đày tại Sơn La, sau đó bắn chết”. Ngoài ra, tại cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Lê Lợi (1930-1999) xuất bản năm 1999 (trang 23 và trang 228) cũng ghi nhận ông Nguyễn Văn Liên tham gia Tổ Việt minh bí mật; gia đình ông Nguyễn Văn Liên đã ủng hộ súng cho cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

Ông Đào Bá Thụ, sinh năm 1927 ở phường Đồng Lạc (Chí Linh). Ông Thụ tham gia cách mạng năm 1945. Hy sinh ngày 3.2.1952 tại thôn Tế Sơn, xã Đồng Lạc. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Đào Bá Thụ tham gia cách mạng ở địa phương, làm công tác bình dân học vụ, tham gia dân quân, cán bộ tuyên truyền. Ngày 3.2.1952, trong khi đang dạy học, quân Pháp từ bốt Bến Bình kéo xuống thôn Tế Sơn bắt được ông Đào Bá Thụ, chúng khám và thấy ông Thụ giấu tài liệu tuyên truyền trong người. Chúng lôi ông Thụ vào sân nhà ông Từ (người cùng thôn) và dồn nhân dân tập trung tại đó. Chúng tuyên bố bắt được du kích Việt Minh và tra tấn ông Thụ trước mặt mọi người, bắt ông Thụ khai cơ sở hoạt động của du kích, chỉ hầm bí mật và những người lãnh đạo của thôn, xã. Ông Thụ kiên quyết không khai, chỉ trả lời: không biết. Sau khi tra tấn dã man đến chết, chúng chặt đầu ông Thụ và cắm đầu ở ngã ba đường thôn Tế Sơn, có rất nhiều người dân biết sự việc.

Ông Nguyễn Viết Luyện, sinh năm 1928 ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Ông Luyện tham gia cách mạng năm 1947. Hy sinh ngày 17.7.1954 tại thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng. Năm 1954, ông Luyện làm y tá, được giao nhiệm vụ cứu thương, trong khi làm nhiệm vụ bị trúng đạn của giặc Pháp, hy sinh. Những người biết sự việc đều xác nhận: xã Đoàn Tùng có địch đóng bốt ở chùa Gia, sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7.1954 quân ta bao vây không cho địch tháo chạy. UBND xã phân công các đồng chí du kích cùng với ông Nguyễn Viết Luyện là y tá thường trực cắm chốt ở khu vực Đồng Gia, thôn Đào Lâm đón những trường hợp quân của ta bị thương vong đưa về cấp cứu phía sau. Năm 1954, trong khi làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Viết Luyện bị trúng đạn của giặc Pháp bắn từ Bốt Chùa Gia và hy sinh.

Để có cơ sở xem xét, đề nghị với Ban Chỉ đạo xác nhận người có công với cách mạng tỉnh, các cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể tham gia ý kiến về các trường hợp này. Mọi thông tin liên quan xin được gửi về: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, số 8 Phạm Sư Mệnh, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Số điện thoại: 0220.3853.734. Thời gian trong vòng 15 ngày, kể từ ngày đăng tải thông tin.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/hai-duong-lay-y-kien-tham-gia-xac-nhan-liet-si-179675