Hải Dương là kết nối

Thủ phủ của Hải Dương từng được gọi là 'thị xã đi qua'. Nhược điểm này đã được khắc phục trong những năm gần đây để Hải Dương là kết nối, phát triển.

Hải Dương khẩn trương thi công đường dẫn cầu Đồng Việt (Chí Linh)

Hải Dương luôn tự hào có một tiềm năng to lớn là vị trí địa lý nằm ở trung tâm tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và đồng bằng Bắc Bộ. Như thế, về địa kinh tế, Hải Dương đầy thuận lợi. Tiềm năng này đã được phát huy, minh chứng rõ nhất là nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên dọc quốc lộ 5 suốt hơn 3 thập kỷ qua.

Nhưng tiềm năng địa kinh tế chưa được phát huy tốt nhất để Hải Dương “cất cánh”.

Những năm đầu đổi mới, thị xã Hải Dương, trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh được ví von bằng “thị xã đi qua”. Đây là một nỗi đau bởi nằm giữa tam giác phát triển mà lại bị bỏ qua. Thị xã Hải Dương chỉ là một thị xã bé nhỏ nằm cạnh quốc lộ 5.

Vị trí địa lý mặc nhiên quy ước Hải Dương có vai trò kết nối khu vực.

Những nhiệm kỳ gần đây, cấp ủy, chính quyền tỉnh nhận thức ngày càng rõ hơn một yếu tố quan trọng trong phát triển là phải kết nối tốt với các trung tâm phát triển, với các địa phương lân cận và kết nối trong tỉnh. Nhận thức chuyển ngay thành hành động, Hải Dương đã có những bứt tốc về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Hàng loạt công trình giao thông lớn được xây dựng gần đây như đường trục Bắc - Nam, Đông – Tây tỉnh, đường tránh TP Chí Linh, cầu Mây, đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện, Đông – Tây huyện Kim Thành, đại lộ Võ Văn Kiệt ở TP Hải Dương; các đường dẫn kết nối cầu Dinh, Quang Thanh, Đồng Việt; các nút giao kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở Bình Giang, Thanh Hà; nâng cấp mở rộng quốc lộ 37…

Năm 2023, Hải Dương giải ngân vốn đầu tư công vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đáng chú ý vốn tập trung chủ yếu vào các công trình giao thông. Khi đường trục Đông – Tây tỉnh hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía nam Hải Dương. Các nút giao với đường cao tốc hoàn thành sẽ mở ra cơ hội mới cho vùng công nghiệp động lực Bình Giang…

Không chỉ kết nối giao thông, Hải Dương còn chú trọng thúc đẩy các không gian “kết nối mềm”. Đó là kết nối trục cao tốc phía đông với Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành một vùng cộng hưởng chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển. Hải Dương hợp tác với các tỉnh lân cận, nhiều địa phương trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn…

Kết nối và kết nối đã trở thành một khẩu hiệu không ai nói ra nhưng các cấp, các ngành đều nỗ lực thực hiện để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Năm 2023, Hải Dương thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một minh chứng cho những nỗ lực kết nối. Không gian kết nối còn trải dài sang lĩnh vực văn hóa – du lịch, điển hình là nỗ lực của tỉnh để Côn Sơn – Kiếp Bạc cùng với Yên Tử, Vĩnh Nghiêm trở thành di sản văn hóa thế giới. Cuối tháng 9/2023, hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được trình lên UNESCO.

Hải Dương đang bước vào một thời kỳ phát triển mới theo quy hoạch mang tính chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/12/2023. Hải Dương sẽ mang nhiều vóc dáng khác nhau ở những mảng miếng và cả góc nhìn. Trong đó hẳn sẽ có một cách nhìn Hải Dương là kết nối. Bởi kết nối đang và sẽ giúp Hải Dương phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

THANH XUÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-la-ket-noi-369642.html