Hải Dương khuyến khích, thu hút đầu tư theo 'tinh thần tất cả vì nông nghiệp'

Có tiềm năng, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, nhưng thu hút đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Hải Dương vẫn còn hạn chế với 1,6 nghìn DN đăng ký. Nhưng...

Nhưng số DN thực sự hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 300 DN, trong tổng số hơn 11,5 nghìn DN trên địa bàn.

Ngày 18/6, tại Hải Dương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương năm 2017.

Chỉ gần 3% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

Hải Dương được biết đến là vựa nông sản của miền Bắc với nhiều sản phẩm chủ lực, mang tính đặc thù cao. Mỗi năm, tỉnh duy trì gieo cấy khoảng 120.000ha lúa và gần 30.000ha rau màu các loại. Những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm 7, Thiên ưu 8, TBR225… ngày càng chiếm ưu thế. Những vùng lúa tập trung, SX “một vùng, một giống, một thời gian” được xây dựng đem lại hiệu quả rõ rệt, năng suất lúa bình quân đạt hơn 60 tạ/ha.

Tỉnh đã hình thành được các vùng SX rau màu tập trung như vùng hành củ (Kinh Môn, Nam Sách), vùng củ đậu (Kim Thành, Kinh Môn), vùng cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), vùng su hào, cải bắp (Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện), vùng dưa hấu, dưa lê (Tứ Kỳ, Gia Lộc)... Giá trị SX tại các vùng hàng hóa tập trung đạt từ 150-300 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có những vùng cây trồng đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Các loại cây lâu năm phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vải (Thanh Hà, Chí Linh), ổi (Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn), chuối (Thanh Hà, Tứ Kỳ)...

Bên cạnh tiềm lực SX, Hải Dương còn có nhiều điều kiện thuận lợi trong phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh nằm ở trung tâm tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông ngày một hoàn thiện nên việc giao thương dễ dàng hơn. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng. Sự phát triển công nghiệp, dịch vụ trong tỉnh cũng góp phần hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ với sức mua lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trên địa bàn có tới hơn 11,5 nghìn DN hoạt động, thì chỉ có khoảng 300 DN thực sự hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 3%. “Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo tỉnh đánh giá, đó là tính bền vững, ổn định trong SXNN chưa cao, bị động trước biến động thị trường, lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Đó là những yếu tố khiến khu vực nông nghiệp kém hấp dẫn”, ông Thái nói.

Tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty Giống cây trồng Thái Bình; ông Nguyễn Mạnh Cường, GĐ Cty CP Giống cây trồng Kiên Giang và một số DN khác đều cho rằng, giá thành SX cao, giá sản phẩm thấp, ưu đãi chưa lớn, lãi suất ngân hàng còn cao… khiến đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương còn hạn chế.

Thu hút đầu tư theo “tinh thần tất cả vì nông nghiệp”

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển, cho rằng, rõ ràng là trong công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp là “có vấn đề”, cho dù đã có sẵn tiềm năng, sẵn cơ sở hạ tầng...

Tiền năng, lợi thế tốt, nhưng thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở Hải Dương chưa đạt yêu cầu

Trong đề án “Phát triển SXNN hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, Hải Dương hướng đến một nền nông nghiệp tập trung, hiện đại, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cho vùng SX tập trung, sản xuất an toàn và ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ tối đa 6,5 triệu đồng/ha tiền giống và thuốc BVTV cho các vùng SX tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô 5ha/vùng trở lên. Hỗ trợ 40 triệu đồng/ha xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm cho vùng chuyên canh rau màu, 5 triệu đồng/ha/năm tiền thuê đất để SX tập trung trong 2 năm. Đối với vùng thâm canh cao có quy mô 5 ha/vùng trở lên, tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí cải tạo hệ thống thủy lợi, giao thông. Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 100 nghìn đồng/m2 nhà màng và 50 nghìn đồng/m2 nhà lưới.

Vùng nuôi thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha/vùng trở lên được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hạ tầng. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm và cơ sở chuồng trại lên tới 3 tỷ đồng/dự án. Nhằm nâng cao năng lực bảo quản, chế biến nông sản, tỉnh có cơ chế hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án để mua máy móc, thiết bị và xây dựng hạ tầng.

Hải Dương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, được đối trừ tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư đã ứng vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng... Hiện tại, tỉnh đang xây dựng đề án tích tụ ruộng đất, nới hạn điền để tạo cơ sở nền tảng cho các DN đầu tư SXNN hàng hóa, tập trung.

“Chúng tôi tập trung thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp theo tình thần tất cả vì nông nghiệp. Tỉnh coi thành công của DN nông nghiệp khi đầu tư vào Hải Dương cũng như thành công của chính mình”, ông Hiển khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hải Dương tổ chức hội nghị hết sức có ý nghĩa. Khu vực tam nông luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chúng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nông nghiệp với kim ngạch XK năm 2016 đạt trên 32 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên quy mô nhỏ lẻ là chính, ruộng đất còn manh mún. Đời sống nông dân chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.

“Đối với Hải Dương, là tỉnh có tiềm năng nông nghiệp rất tốt, hạ tầng phát triển, vị trí địa lý thuận lợi… Riêng nông nghiệp, Hải Dương đã đạt được một số kết quả, một số vùng, cây con, rau quả, thủy sản chủ lực được phát huy”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, so với lợi thế và tiềm năng, Hải Dương còn xa mới với tới. Tổ chức ngành hàng theo chuỗi còn yếu, nếu không tổ chức SX lại, nông nghiệp Hải Dương sẽ tụt hậu.

Bộ trưởng đề nghị, Hải Dương cần dồn sức từ phát triển công nghiệp sang nông nghiệp. Đây không phải an sinh, không phải chính trị mà là thúc đẩy tiềm năng. Hơn nữa, tỉnh cần thực hiện phương châm lấy nông nghiệp để thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, phát triển các DN tại chỗ, xây dựng và hỗ trợ DN từ những mô hình hộ cá thể SXKD giỏi.

“Hải Dương cần rà soát lại các lợi thế về nông nghiệp để phát huy, nhất là các vùng chuyên canh rau màu, thủy sản, từ đó xây dựng chiến lược ngành hàng và vùng nguyên liệu phù hợp để DN có điều kiện đầu tư, liên kết với nông dân”, Bộ trưởng đề nghị.

Bà Trần Thị Chính, GĐ Cty TNHH Kim Chính cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản chưa được tỉnh Hải Dương chú trọng. “Thương hiệu Nếp cái hoa vàng là thương hiệu nổi tiếng, nhưng tỉnh lại giao cho một HTX nhỏ để quản lý và phát triển thương hiệu thì không đủ tầm”, bà Chính nói. Theo bà Chính, Hải Dương có nhiều nông sản có tiếng, giá trị kinh tế cao, nhưng muốn nâng cao giá trị gia tăng thì cần chú trọng xây dựng thương hiệu và đầu tư quảng bá hơn nữa.

“Ngoài ra, để mở rộng vùng nguyên liệu, hoặc mở rộng nhà máy chế biến, chính bản thân DN phải tự đi thỏa thuận với dân để giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến 100 triệu đồng/sào. Trong khi đó, được biết, ở Hà Nam, chính quyền đứng ra lo cho DN nông nghiệp mặt bằng sạch với chỉ 29 triệu đồng/sào. Như vậy, DN đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương làm sao có thể lớn mạnh được, làm sao có thể có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những hoài bão phát triển lớn hơn?”, bà Trần Thị Chính.

VĂN NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hai-duong-khuyen-khich-thu-hut-dau-tu-theo-tinh-than-tat-ca-vi-nong-nghiep-post196419.html