Hải Dương: Cần có kế hoạch cụ thể thực hiện từng nhiệm vụ chuyển đổi số

Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương vừa tổ chức đánh giá kết quả chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2023.

Trong 2 năm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 của Chính phủ; các sở, ngành đã thực hiện rà soát, tham mưu UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt và đề nghị các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 165 thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; 5 thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương nêu một số giải pháp về chuyển đổi số thời gian tới.

Cũng trong thời gian qua, UBND tỉnh Hải Dương đã thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện giải quyết 19 thủ tục hành chính. Tỉnh đã hoàn thành số hóa trên 2,1 triệu dữ liệu dân cư, đạt 100%; tổ chức triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính năm 2023 tăng 38% so với cuối năm 2022.

Hải Dương đã kết nối 13 trong tổng số 17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương với hệ thống thông tin của địa phương này qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Thượng tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày kết quả thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã tích hợp 618 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hải Dương đang cung cấp 1.899 dịch vụ công, trong đó có 573 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Các sở, ban, ngành, địa phương đã hoàn thành, cung cấp toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ; trong đó, có 23 dịch vụ được thực hiện toàn trình.

Kết quả đánh giá, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Hải Dương đạt mức A, xếp thứ 4 trong cả nước.

Quang cảnh Hội nghị Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nhiệm vụ chuyển đổi số rất quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu. Các sở, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động vào cuộc, có kế hoạch thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ chuyển đổi số. Công việc này cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành. Các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp trên, cơ quan chức năng giải quyết.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu kết luận.

Đối với những việc còn chậm, muộn trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, sớm chỉ đạo giải quyết. Khẩn trương rà soát, bổ sung, thay đổi, sửa đổi các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương liên quan đến chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 của Chính phủ để phù hợp thực tế và cần hoàn thành trong tháng 5/2024.

UBND tỉnh cũng cần quan tâm, bố trí thêm biên chế công nghệ thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông; sớm quyết định việc giao nhiệm vụ phụ trách chuyển đổi số cho cơ quan ở cấp huyện.

Công an tỉnh Hải Dương sớm đề nghị Bộ Công an hỗ trợ tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong chuyển đổi số.

Cùng với đó, các quy chế hoạt động của trung tâm điều hành thông minh (IOC), trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện; tập trung tháo gỡ các vướng mắc và khẩn trương đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân.

Việt Phương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-can-co-ke-hoach-cu-the-thuc-hien-tung-nhiem-vu-chuyen-doi-so-87122.html