Hai địa phương cùng trùng tu, quản lý Hải Vân quan: Chuyện chỉ có ở miền Trung

Hải Vân quan có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giữa hai vùng văn hóa là Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Hải Vân quan được xây dựng dưới thời Minh Mạng vào năm 1826, có ý nghĩa quan trọng về giao thông, quân sự, xã hội, văn hóa… Đây là công trình phòng thủ cho kinh đô Huế, kiểm soát con đường thiên lý Bắc – Nam, thiết lập sự kiểm soát đối với Vịnh Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Hải Vân quan xuống cấp, hư hỏng, biến thành phế tích. Sau khi thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng bắt tay “đại trùng tu”, Di tích quốc gia Hải Vân quan trở thành điểm nhấn nổi bật trên bản đồ du lịch. Xung quanh việc 2 địa phương cùng trùng tu, quản lý di tích Hải Vân quan- chuyện chỉ có ở miền Trung, phóng viên Long Phi có cuộc phỏng vấn Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng, người dành nhiều tâm huyết đề xuất phương án thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác trùng tu, phục dựng di tích này.

Trước khi trùng tu Hải Vân quan xuống cấp nghiêm trọng

Hải Vân quan sau khi trùng tu

Hải Vân quan nằm ở vùng giáp ranh thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

PV: Thưa ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng. Hải Vân quan là một di tích độc đáo, nằm ở vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì sao di tích này lại bị bỏ quên trong một thời gian dài như vậy?

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng: Hải Vân quan tọa lạc ở một địa điểm mà ranh giới về hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế không rõ ràng. Cho đến hôm nay, vấn đề phân định địa giới hành chính giữa 2 địa phương này vẫn chưa xong. Hải Vân quan nằm chính giữa đỉnh đèo Hải Vân, chưa xác định được khu vực này thuộc thành phố Đà Nẵng hay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Đà Nẵng.

PV: Những người làm văn hóa ứng xử với di tích này như thế nào, thưa ông?

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng: Năm 2017, những người trong ngành văn hóa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nhau và thống nhất một điều: Văn hóa là di sản chung của hai địa phương. Đầu năm 2017, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế xúc tiến làm hồ sơ.

Đến giữa năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xem xét và công nhận Hải Vân quan là Di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc chung của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng để 2 địa phương chung tay “cứu” Hải Vân quan. Từ đó, ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng bắt tay làm những công việc khảo cổ. Kết quả khảo cổ kết hợp với tư liệu thời Pháp và tư liệu lịch sử Việt Nam đã giúp chúng tôi hình dung rõ được cấu trúc, hình hài của Hải Vân quan, từ đó mới xây dựng một cái đề án, kế hoạch để bảo tồn, phục hồi, tôn tạo Hải Vân quan.

Chúng tôi rất mừng, dù việc trùng tu tuy có muộn nhưng đến nay việc trùng tu cơ bản đã hoàn thành, Di tích Hải Vân quan cơ bản được phục hồi trở lại gần như bản gốc dưới thời Minh Mạng.

Các lô cốt được trùng tu, bảo tồn

Đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.

PV: Theo ông, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng trùng tu một di tích lịch sử liệu có những vướng mắc gì về yếu tố pháp lý?

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng: Hai địa phương bắt tay trùng tu Hải Vân quan, thời điểm mới bắt đầu cũng gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Theo quy định về xây dựng thì không thể nào có tới 2 ban quản lý, 2 đơn vị thi công cùng trùng tu một di tích được. Chúng tôi nghĩ rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là thành phố của di sản, Trung tâm bảo tồn di sản cố đô Huế có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích.

Thành phố Đà Nẵng đã chủ động đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế đảm nhận vai trò chủ công trong công tác trùng tu Hải Vân quan và cử một lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao thành phố tham gia vào Ban quản lý Di tích Hải Vân quan mà do tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì. Về nghĩa vụ đóng góp kinh phí thì 2 địa phương ngang nhau.

Dự án trung tu Di tích Hải Vân quan đã hoàn thành 90% khối lượng.

Một góc Hải Vân quan.

PV: Kết quả trùng tu di tích Hải Vân Quan vừa qua có thể rút ra bài học nào trong công tác phục dựng các di sản chung hiện nay?

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao việc trùng tu Hải Vân quan và cho rằng đây là hình mẫu để các địa phương có di tích chung nên làm theo cách mà thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm trong phối hợp làm hồ sơ xếp hạng di tích, cùng nhau tôn tạo, trùng tu và khai thác di tích.

Kinh nghiệm đầu tiên trong phối hợp trùng tu di tích, trước hết 2 địa phương phải ngồi lại với nhau, phải lấy giá trị văn hóa đặt lên hàng đầu. Có như thế thì việc cùng nhau trùng tu, khai thác, quản lý di tích mới đạt hiệu quả cao. Việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế không được đặt cao hơn giá trị văn hóa. Vấn đề đặt ra bây giờ là quản lý di tích như thế nào cho hiệu quả. Theo tôi, sau khi hoàn thành dự án trùng tu Hải Vân quan thì nên bàn giao cho địa phương cấp huyện, cấp xã quản lý. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì bàn giao cho huyện Phú Lộc, còn phía thành phố Đà Nẵng thì bàn giao cho quận Liên Chiểu.

Còn một vấn đề đặt ra đó là nên khai thác, bán vé như thế nào cho hợp lý. Việc thu phí từ bán vé là cần thiết để có nguồn lực trang trải cho việc bảo quản, giữ gìn di tích. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên thu phí ở mức độ vừa phải, đủ trang trải cho những hoạt động cần thiết.

Một hạng mục của Hải Vân quan vừa trùng tu hoàn thiện

Vật liệu dùng để trùng tu Hải Vân quan gần giống nguyên bản.

Được xem là đệ nhất hùng quan nhưng trước năm 2017, Hải Vân quan chưa được công nhận là di tích. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có hơn 20 năm bàn chuyện quản lý, trùng tu Hải Vân quan.

Ông Phan Tiến Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhớ lại nỗ lực tìm “tiếng nói chung”: “Chúng tôi cũng thống nhất, khi đã được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia thì chúng ta phải có quy hoạch mang tính chiến lược quốc gia. Quy hoạch này vừa là phục vụ cho tham quan nhưng mà vừa để khai thác, để phát huy các giá trị đặc biệt của Hải Vân quan”.

Từ một di tích hoang phế, Hải Vân sau khi trùng tu đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Lần đầu đến Hải Vân quan, vợ chồng ông Ventosa, du khách đền từ Tây Ban Nha chia sẻ: “Di tích lịch sử này trông thật hùng vĩ, thật đáng kinh ngạc. Từ vị trí này có thể chiêm ngưỡng được cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thực sự rất ấn tượng”.

Bà Trần Thị Ngọc Yến ở thành phố Đà Nẵng ngạc nhiên trước vẻ đẹp độc đáo của Hải Vân quan: “Khi chưa trùng tu, hàng năm tôi vẫn lên đây tham quan, thấy khi đó rất rêu phong, nhếch nhác, nói thật là cảm thấy rất là buồn. Hôm nay, Hải Vân quan đã rất sạch sẽ, nguy nga và đi vào lòng người”.

Anh Nguyễn Văn Hiền có gần 30 năm buôn bán ở khu vực trước cổng Hải Vân quan bày tỏ vui mừng: “Hiện nay Di tích Hải Vân quan đã trùng tu mới 90% so với trước khi trùng tu. Lượng khách lên đây ngày càng đông”.

PV: Thưa ông! Vừa rồi là những nhận xét của du khách về Hải Vân Quan. Vậy theo ông, nên khai thác giá trị các di sản trong du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung như thế nào cho hiệu quả?

Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng: Đối với di sản văn hóa thì phải xác định đó là nguồn tài nguyên quan trọng trong hoạt động du lịch và du lịch phải có trách nhiệm với di sản. Di sản nói chung và Hải Vân quan nói riêng là tài nguyên để khai thác du lịch nhưng hoạt động du lịch phải đảm bảo việc di sản được bảo vệ, giữ gìn, như vậy mới phát triển bền vững được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Người dân, du khách đến tham quan, chụp hình tại Hải Vân quan

Hải Vân quan nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam.

Du khách bốn phương đến Hải Vân quan

Di tích Hải Vân quan dự kiến sẽ mở cửa đón khách trong dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 đến.

Hải Vân quan, điểm đến mới hấp dẫn người dân và khách du lịch

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/hai-dia-phuong-cung-trung-tu-quan-ly-hai-van-quan-chuyen-chi-co-o-mien-trung-post1087508.vov