Hai 'địa chỉ đỏ' tại Sơn La thu hút khách tìm hiểu về lịch sử

Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến và Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La là hai điểm đến quan trọng với du khách khi đến Sơn La.

Tại Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây tiến có đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến nằm ở vị trí cao nhất của quần thể di tích và được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn. Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập ngày 27/2/1947. Trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Trung đoàn đã loại 11.439 tên địch và phá hủy 6.158 súng các loại, 76 xe cơ giới, 8 ca nô tàu chiến, 3 máy bay và hàng trăm tấn đạn dược, quân dụng.

Phía trước đài tưởng niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến có hai biểu tượng gắn liền với chặng hành quân của Trung đoàn, đó là Thạt Luông - biểu tượng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng Trung đoàn Tây Tiến và hoa lau - loài cây rừng gắn với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến, tạo nên một không gian thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc.

Khu vực nhà truyền thống của Trung đoàn Tây Tiến được thiết kế theo kiểu nhà sàn dân tộc Tây Bắc. Không gian trưng bày chia thành các phần: Không gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Tây Tiến một thời và mãi mãi” - giới thiệu hình ảnh và các kỷ vật của Trung đoàn Tây Tiến xưa như đèn, áo trấn thủ, giấy chứng minh của nhà thơ Quang Dũng; “Tây Tiến hào hùng và tài hoa” là không gian tái hiện lại hình ảnh người lính Tây Tiến năm xưa.

Rời khu Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến, du khách tiếp tục tham quan, tìm hiểu về Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Năm 1930, trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam ngày càng dâng cao, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 1.500 m2 và bắt đầu giam chính trị phạm.

Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Trong đó phải kể đến các chiến sĩ Cộng sản xuất sắc tiêu biểu như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàng…

Nhà tù Sơn La được xây dựng kiên cố, tường xây bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn. Giường nằm cho tù nhân xây bằng đá, mặt láng xi măng, mặt ngoài gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Với thiết kế như vậy, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc với cái nóng như đổ lửa vào mùa hè cùng những đợt sương muối giá rét vào mùa đông đã khiến các loại bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng.

Ngày nay, nhiều khu vực nhà giam đã bị xuống cấp theo thời gian và chỉ còn những viên đá, mảng tường cũ ngổn ngang ở trong khuôn viên nhà tù.

Du khách nghe thuyết minh về kho xếp nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh trong Nhà tù Sơn La.

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau này.

Du khách tham quan và chụp ảnh kỉ niệm tại Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Chùm ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/hai-dia-chi-do-tai-son-la-thu-hut-khach-tim-hieu-ve-lich-su-20231213220924856.htm