Hai chữ 'văn hóa' qua những trang nhật ký một thời…

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời thì gần như đồng thời, tổ chức Văn hóa cứu quốc cũng được thành lập. Điều này cho thấy sự lãnh đạo thấu suốt của Đảng về công tác văn hóa, cả về chủ trương đường lối và tổ chức thực hiện.

Xin được nói ngay, “một thời” ở đây là thời kỳ Tiền khởi nghĩa 1943 - 1945, còn “nhật ký” là của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết trong những năm tháng ấy.

Nguyễn Huy Tưởng (thứ hai từ trái qua) và Lưu Văn Lợi (ngoài cùng bên phải) - hai thành viên tương lai của Văn hóa cứu quốc, cùng các bạn học cũ tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội, tháng 4.1939

Năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời thì gần như đồng thời, tổ chức Văn hóa cứu quốc cũng được thành lập. Điều này cho thấy sự lãnh đạo thấu suốt của Đảng về công tác văn hóa, cả về chủ trương đường lối và tổ chức thực hiện. Là tác nhân đưa ánh sáng của bản Đề cương đến với đông đảo quần chúng, các thành viên của Văn hóa cứu quốc đồng thời cũng là những người trực tiếp biến các nội dung của nó thành hiện thực, thông qua chính các hoạt động văn hóa và tác phẩm văn học, nghệ thuật do họ tiến hành, với những nhận thức mới mà họ tiếp thu được từ bản Đề cương…

Những thành viên đầu tiên

Trong các thành viên của Văn hóa cứu quốc, những yếu nhân ban đầu thường được kể đến là Vũ Quốc Uy, Như Phong, Học Phi, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng… Nhiều người trong số đó về sau đã có dịp kể về sự ra đời của Văn hóa cứu quốc, hay những kỷ niệm của mình trong những tháng ngày tham gia hoạt động. Trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có khác. Ông ra đi quá sớm - năm 1960, khi mới 48 tuổi, nên chưa kịp làm công việc này. Tuy nhiên, ông lại thường xuyên viết nhật ký, ghi lại cuộc đời mình. Liệu qua những trang nhật ký viết vào thời gian hoạt động bí mật ấy, ta có thể lần ra những dấu ấn hoạt động Văn hóa cứu quốc của ông cũng như các đồng chí của ông?

Sự việc đầu tiên ông ghi trong nhật ký có liên quan đến các thành viên kể trên là vào ngày 29.8.1943, năm được ghi nhận là năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và tổ chức Văn hóa cứu quốc. Xin được dẫn nguyên văn: “Đang gặp Nguyễn Đình Thi, sắp mở một tờ báo. Bảo mình cộng tác. Mới thấy mình không có tài đức để viết một mục gì. Không có thực học. Nông nổi hết sức”.

Ở đây, Đang là Nguyễn Hữu Đang, người bạn thân thiết của tác giả khi hai ông cùng hoạt động Truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng. Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng làm thư ký sở thuế quan, còn gọi là nhà Đoan, và đang tìm đường đến với các hoạt động yêu nước, cách mạng mà văn chương là nơi ông ký thác tấm lòng mình.

Rất khó đoán định “tờ báo” mà Nguyễn Hữu Đang nói ấy có phải là một tờ do Văn hóa cứu quốc chủ trương hay không? Cũng vậy, điều Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn không biết có thể viết một “mục” gì là do chuyên mục ấy có điều gì đặc biệt, hay do bản tính khiêm tốn, như tác giả tự nhận, “nông nổi hết sức”? Tuy nhiên, có điều chắc chắn, từ đây, cái tên Nguyễn Đình Thi cũng như nhiều tên tuổi khác của Văn hóa cứu quốc xuất hiện khá thường xuyên trong nhật ký của ông.

Một ngày tiếp theo rất đáng được lưu ý trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là 23.4.1944. Ông viết: “Có buổi hội họp các nhà văn. Quen Nguyễn Xuân Huy, Nam Cao, Như Phong, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân”. Như chúng ta biết, Nam Cao, Như Phong, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân đều là những thành viên của Văn hóa cứu quốc, riêng Nguyễn Xuân Huy không. Nhưng rồi nhà thơ cũng là người nhập cuộc, tham gia kháng chiến một thời gian. Mặc dù không có gì chứng thực, rất có thể đây là một cuộc gặp gỡ có tính cách thăm dò của Văn hóa cứu quốc nhằm móc nối, phát triển thành viên.

Tại thời điểm này, Nguyễn Huy Tưởng đã được sở Đoan thuyên chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội. Một ngày sau buổi hội họp nói trên, ông ghi nhật ký: “Nguyên Hồng đến chơi - nhà văn sĩ của vô sản. (…) Trông rất đáng yêu”. Mặc dù hai ông từng biết nhau từ tháng 8.1942, nhưng xem ra đến lúc này giữa hai ông mới có sự kết giao đặc biệt, để tác giả nhấn mạnh phẩm chất “vô sản” của bạn mình.

“Đi với Ngọc Ban… Một nhà chiến sĩ?”

Những cuộc hội họp “bạn bè”, gặp gỡ “nhà văn” như thế ngày một thường xuyên hơn, và nhiều cái tên mới được ghi thêm vào nhật ký của tác giả, như Tô Hoài (từ 16.8.1944); Quản Xuân Nam (10.12.1944); Đặng Thai Mai, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Công Mỹ (cùng ngày 27.1.1945); Học Phi (11.3.1945)… Đặc biệt ở đây phải kể đến một người không hề được ghi là làm gì, hay có viết gì, nhưng được nói đến khá kỹ với nhiều sự việc liên quan đến đời văn của tác giả. Đó là người khi được gọi là Trang, khi là Ngọc Ban, hay chỉ đơn giản là Ban hoặc đầy đủ cả họ tên là Trần Ngọc Ban. Một người có hành tung bí ẩn, như Nguyễn Huy Tưởng đã ghi trong nhật ký ngày 16.10.1944: “Đi với Ngọc Ban. Thái độ mập mờ, khả nghi. Một nhà chiến sĩ?”

Một đoạn nhật ký ngày 20 - 22.5.1945 của Nguyễn Huy Tưởng

Mặc dù vậy, ba ngày sau Nguyễn Huy Tưởng đã có một việc làm táo bạo: ông giới thiệu người “bạn” mới này với một bạn thân của mình là Lưu Văn Lợi để cho ngủ nhờ. Từng là đồng sự với nhau ở sở Đoan Hải Phòng, Nguyễn Huy Tưởng và Lưu Văn Lợi sau được sở chuyển đi mỗi người một nơi, và vào thời điểm được nói đến, Lưu Văn Lợi đang ở Phúc Yên. Nhật ký ngày 19.10.1944, thuật lại việc giới thiệu Ngọc Ban vào ngủ nhà bạn mình ở đó, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Nếu Ngọc Ban bị bắt, có phải liên lụy cả ta lẫn Lợi?” Điều gì khiến tác giả lo sợ việc bắt bớ? Điều gì khiến ông nghĩ sẽ bị liên lụy?…

Như giờ đây ta biết, Ban hay Trang chính là tên và bí danh của đồng chí Trần Ngọc Hương, tức Mười Hương, một cán bộ lãnh đạo của Đảng, từng được giao phụ trách nhóm Văn hóa cứu quốc thời kỳ bí mật. Nhưng vào thời điểm lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Tưởng chỉ có thể nói mập mờ như thế, mà kể nói đến thế cũng đã là bạo lắm rồi! Nhật ký của ông từ đây thường xuyên nhắc đến người phụ trách này, khi thì “cùng Trần Ngọc Ban nói chuyện, về mọi vấn đề: văn chương, bằng hữu, xã hội”, khi thì “hẹn cùng Ban đi chơi, bàn việc viết văn”.

Đằng sau những dòng trần thuật khô khan ấy, liệu có thể là những câu chuyện gì họ nói, những công việc gì họ bàn, điều này xin để bạn đọc tự suy xét. Có điều chắc chắn, càng ngày thì những câu chuyện “văn chương” mà người cán bộ này nói với Nguyễn Huy Tưởng càng mang tính định hướng rõ rệt. Ngày 29.3.1945, tác giả ghi: “Trang khuyên nên viết lối tốc tả (về những cảnh đói). Lại hỏi sao không tả những nhân vật điển hình là bọn Đại Việt bây giờ? Những chú Ả Q trăm phần trăm.” (Xin được lưu ý, tác viết những dòng này gần ba tuần sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đảng Đại Việt đang thừa cơ ngoi lên) Ngày 27.4.1945, nhật ký có câu: “Ban khuyên nên viết truyện về những tiểu tư sản, không nên viết về những cảnh không thuộc phạm vi sự sinh hoạt của mình, không tự nhiên.” (Một lời khuyên, nhưng cũng có thể coi như một sự nhắc nhở nhà văn hiểu cho đúng tinh thần của các chữ “dân tộc - đại chúng - khoa học” trong bản Đề cương, tránh tả khuynh, máy móc…).

“Nhà văn tiền tuyến”

Càng gần đến Tổng khởi nghĩa, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng càng được viết ngắn gọn, dồn nén nhiều sự việc. Và dần dần bắt đầu xuất hiện hai chữ “văn hóa” trong những công chuyện ông cùng các đồng chí của mình tiến hành. Đồng thời với đó là chữ “anh em” với nhiều hàm ý, cũng như chữ nhà văn mà đôi khi ông thấy phải nói rõ thêm: “nhà văn tiền tuyến”.

Xin được lần theo những chữ này như những “từ khóa” mà ta có thể nói không sai, giờ đây đã mang nội hàm là những công tác cách mạng thuộc phạm vi hoạt động của tổ chức Văn hóa cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Ngày 23.12.1944, tác giả viết: “Gặp Ban. Coi như mình trong bọn. Nói m.t. [mật thám] có lẽ sẽ bắt bọn Văn hóa, và khi ấy sẽ đón mình đi”. Ngày 27.1.1945, ông viết: “… đi Hải Phòng dự lễ phát thưởng Truyền bá quốc ngữ. (…) Cùng Nguyễn Công Mỹ đi nói chuyện, và đưa cả cho xem Đề cương về vấn đề văn hóa Việt Nam. Nhận ra mình quan trọng.”. Và tiếp đó, như một sự nhắc nhở mình về nhiệm vụ: “Có cuộc Hội nghị các nhà văn Tiền tuyến. Vào dịp Tết.” Ngày 15.5.1945, cả một nỗi phấn khởi: “Anh em” khen mình viết được. Cố gắng.” Ngày 7.7.1945, vinh dự và tự hào:“Được tin được dự một Hội nghị quan trọng (của văn giới). Đại biểu nhà văn. Sung sướng trước giờ long trọng.” Ngày 12.7.1945, cảnh báo và cũng để tự chấn chỉnh mình: “… đoàn thể vừa chê bài Văn hóa với cách mạng. Thẹn thò, mất tín nhiệm: văn hóa viết non quá”.

Bài tác giả nói ấy chính là một bài dự kiến cho số Tiên phong đầu tiên mà các ông đang xúc tiến. Như hồi ký của nhà văn Như Phong cho biết, bấy giờ “trên” đã quyết định cho Văn hóa cứu quốc có một tờ báo riêng, ra trong bí mật. Để chuẩn bị nội dung số báo đó, Nguyễn Huy Tưởng đã đưa các đồng chí của mình về quê ông ở làng Dục Tú (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhật ký của ông các ngày từ 16 - 19.7.1945 cho biết, những người ông đưa về lo việc bài vở gồm có Sinh, Thái, Như Phong, Trang. Trong đó Trang là Mười Hương, còn Sinh là bí danh của Khuất Duy Tiến, cũng là một cán bộ Đảng được giao phụ trách nhóm Văn hóa cứu quốc. Sau mấy ngày làm việc, Nguyễn Huy Tưởng đã có thể thở phào nhẹ nhõm để ghi vào nhật ký: “T.P. [Tiên phong] đã hoàn thành. Truyện ngắn của mình đã được anh em hoan nghênh. Và sẽ được đăng ở T.P.”

Ít ngày sau, Nguyễn Huy Tưởng bí mật lên đường đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, “đại biểu nhà văn”, như ông đã viết trong nhật ký ngày 7.7.1945, hơn một tháng trước Tổng khởi nghĩa…

Nguyễn Huy Thắng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/hai-chu-van-hoa-qua-nhung-trang-nhat-ky-mot-thoi%E2%80%A6-i326083/