Hai chị em bị bệnh lạ ở vùng da đầu do lây nhiễm từ thú cưng

Chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần cảnh giác với các vi khuẩn, nấm trên chó, mèo lây nhiễm sang da gây bệnh trên người…

Thời gian gần đây Ths.BS.CKII Nguyễn Tiến Thành– thành viên Hội Da liễu Việt Nam thăm khámrrất nhiều trường hợp bị nấm da đầu. Đặc biệt, đầu tháng 6 bác sĩ tiếp nhận trường hợp hai chị em trong gia đình bị nhiễm nấm da đầu (Kerion de Celse) do tiếp xúc với mèo trong gia đình.

Trên da đầu xuất hiện các ổ áp-xe, kích thước của áp-xe khoảng 2-3 centimet. Trong khi chị chỉ có một thương tổn đơn độc thì em có hai thương tổn.

Trong ổ áp-xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng.

Hai chị em trong gia đình bị nhiễm nấm da đầu do thường xuyên tiếp xúc, ngủ chung với thú cưng.

Khai thác tiền sử bệnh biết được gia đình bệnh nhân có nuôi chó, mèo và thường xuyên tiếp xúc, thậm chí ngủ chung.

"Kerion gây ra do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loại nấm hay gặp trong kerion là Microsporum canis, Trichophyton tonsurans, Trichophyton verrucosum, Trichophyton mentagrophytes. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người. Riêng Trichophyton rubrum, loài nấm hay gây nấm da nhẵn, hiếm khi gây kerion", BS. Thành cho hay.

Theo BS. Thành, Kerion thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra ở người lớn. Ở đàn ông, thương tổn có thể gặp ở vùng râu cằm.

Từ trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo, khi đã bị nhiễm nấm da do tiếp xúc với chó, mèo..., cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh mặc quần áo ẩm ướt; cần ngâm quần áo vào nước đun sôi và ủi quần áo thường xuyên hoặc phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất là quần áo lót;

BS. Thành thăm khám cho bệnh nhân

Tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn lây như chó, mèo...; không dùng chung quần áo, chăn màn với người mắc bệnh; tránh tắm lá cây hay tự ý đắp thuốc điều trị.

Bệnh cần được điều trị sớm, điều trị đúng, để lâu tổn thương lan rộng nhiễm trùng…Tóc trên thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, rụng tóc có thể vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài

"Nhà có nuôi chó, mèo... cố gắng giữ chúng sạch sẽ, thường xuyên tắm, điều trị nấm da nếu mắc… kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tẩy giun định kỳ và hạn chế việc cho chó mèo nằm lên gối, chăn….

Nếu thấy chúng có dấu hiệu bệnh trên da, cần đưa đến phòng khám thú y để điều trị kịp thời, tránh lây sang người", BS. Thành nhấn mạnh.

Các bệnh nhân nếu bị nấm da do tiếp xúc với chó, mèo cần sử dụng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ thuốc uống toàn thân phối hợp trích rạch, dẫn lưu mủ trong ổ áp-xe tùy thuộc vào mức độ thương tổn theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-chi-em-bi-benh-la-o-vung-da-dau-do-lay-nhiem-tu-thu-cung-a613380.html