Hai cây cổ thụ lớn nhất dải sông Lô và những câu chuyện huyền bí

(PL&XH) - Đó là cây gạo và cây si mọc cách nhau chỉ chừng 20m dọc theo triền đê tả sông Lô. Xung quanh hai cây cổ thụ, rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí đã được truyền miệng…

Những người cao niên nhất tại thôn Khoan Bộ, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cũng không ai biết tuổi của hai cây cổ thụ này. Chỉ biết nhiều đời nay thế hệ trẻ lớn lên tò mò hỏi lớp người đi trước cũng không ai trả lời được, bởi khi họ sinh ra thì hai cây cổ thụ ấy đã sừng sững như thế. Đó là cây gạo và cây si mọc cách nhau chỉ chừng 20m dọc theo triền đê tả sông Lô. Xung quanh hai cây cổ thụ, rất nhiều câu chuyện linh thiêng, huyền bí đã được truyền miệng…

Cây gạo cổ thụ với đường kính gốc hơn mười người ôm. Ảnh: PV

Những câu chuyện bảo vệ cây

Những người cao tuổi tại thôn Khoan Bộ rất tự hào khi kể về hai cây cổ thụ mọc trên mảnh đất mà họ sinh sống. Họ bảo, ở dọc dải sông Lô này, chưa nơi nào có hai cây cổ thụ lâu đời như cây gạo và cây si ở đây cả. Nhiều đời nay, trên mảnh đất này, những vị cao niên cũng đã từng đặt câu hỏi với những người đời trước mà cũng không ai biết hai cây cổ thụ ấy có tự bao giờ, ai trồng chúng?

Thân cây gạo bè ra rất to nhưng lại nhẵn nhụi, cây gạo cổ thụ này phải hơn mười người ôm mới xuể. Còn cây si thì cũng phải 3 sải tay người lớn mới ôm nổi. Những chiếc rễ lớn nhỏ quấn vào nhau tạo thành những đường vân với những hoa văn rất lạ và đẹp.

Bà Lê Thị Lô (71 tuổi) kể lại: "Thời xưa, khi giặc Pháp xâm lược, người dân nơi này đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù. Cây gạo lúc đó với thân hình lực lưỡng, những góc cạnh bè ra như những cánh tay đã từng là chỗ để người dân tránh được bom đạn ác liệt của kẻ thù…".

Khi hòa bình lập lại, cây gạo và cây si tỏa bóng mát che nắng cho người dân nơi đây. Có một điều lạ, hầu hết những cây gạo trong làng khi thân hình phát triển to lớn là cây nào cũng có tầm gửi bám vào sinh sống. Riêng cây gạo cổ thụ này thì tuyệt nhiên không hề có một nhánh tầm gửi nào, thân cây lúc nào cũng mượt mà, nhẵn nhụi chứ không khô màu như những cây gạo bình thường khác.

"Cách đây vài năm, một sự việc rất lạ xảy ra, đó là một người phụ nữ ở xã Lãng Công khi đi chợ huyện về ngang qua đây, thấy cây gạo rụng nhiều hoa quá nên dừng lại với ý định nhặt hoa về cho bò ăn. Thế nhưng khi đang nhặt thì chị dẫm phải một cái gai, nhưng sau rất nhiều thời gian chữa trị mà vết thương cứ loét ra không thể khỏi được. Biết sự lạ, người phụ nữ này đã mang lễ tới cây gạo và nhờ những người cao tuổi làm lễ cúng bái thần cây, sau đó vết thương của người này tự nhiên mà khỏi. Từ đó, không ai dám phạm húy đi nhặt hoa gạo về để cho bò ăn…" bà Lê Thị Lô kể.

Người dân quanh vùng còn truyền tai nhau những câu chuyện khác, đã có rất nhiều lần cây gạo này đã bị người dân mang dao đến chặt cành về làm củi. Tuy nhiên, chưa một cành gạo nào bị sứt mẻ. Bởi mỗi khi có người leo lên cây gạo định chặt, thì cành cây không chặt trúng mà lại chặt trúng tay chân mình. Từ đó không ai còn có ý định phạm vào cây gạo này nữa.

Cây si cổ thụ cũng "thiêng" không kém. Cây si nằm chỉ cách cây gạo chừng 20m, mọc thẳng hàng với cây gạo và cũng chừng ấy tuổi đời. Chính vì vậy có rất nhiều kẻ đã nhăm nhe muốn đào cây bán để kiếm lời. Một người dân tản cư dựng nhà sống ở cạnh cây si này đã nhận cây là do ông ta trồng và đã chặt hết cành cây và gọi máy múc vào để múc cây. Nhưng sau khi ông này chặt cành, vài ngày sau khi ông ta trèo lên cây thị đã bị ngã và bị thương rất nặng. Máy múc mỗi lần vào định múc cây thì khi gần đến nơi tự nhiên chết máy không thể tiến vào được. Rất nhiều lần như thế và không còn ai còn dám có ý định đụng đến cây si cổ thụ này… Những câu chuyện huyền bí trên là lời cảnh báo để bảo vệ cây.

Linh hồn của làng

Không rõ những câu chuyện mà người dân truyền miệng nhau có chính xác hay chỉ là những câu chuyện được thêu dệt. Thế nhưng, hai cây cổ thụ này được người dân Khoan Bộ rất coi trọng.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, 81 tuổi, cho biết: "Cây gạo và cây si là hai cây cổ thụ của làng, đã chứng kiến cuộc sống của rất nhiều thế hệ. Bản thân cây gạo và cây si cổ thụ này ngày xưa đều được đặt miếu thờ ở đó. Cây gạo cổ thụ là nơi đặt miếu Ông của làng, thờ Thành hoàng làng. Còn cây si được đặt miếu Bà thờ một vị công chúa thời Hùng Vương…".

Những Miếu thờ này đã từng bị quân xâm lược phá hủy, nhưng cây gạo và cây si vẫn còn đó.

Ông Tùng còn cho biết thêm, ngày xưa khi ông còn nhỏ, bên cây si cổ thụ còn có một cái Đình. Mỗi khi dân làng cúng tế vua xong thì treo pháo ở cây si này và đốt. Thời đó, cây si cũng đã to như vậy, mỗi khi dân làng đốt pháo ông thường ra gốc cây si này nhặt xác pháo về chơi.

Ở nơi cây gạo và cây si thời xưa còn là bến đỗ mỗi khi thuyền cập bến. Khi thôn Khoan Bộ kết nghĩa với một làng khác ở tận Tuyên Quang, mỗi khi làng có hội hè, tiệc tùng mời "đàng anh" đến dự, thì cây si và cây gạo là bến đỗ, là nơi mà hai bên gặp nhau và giao lưu văn hóa. Bên cạnh hai cây cổ thụ của làng còn có Ghềnh non bộ, nơi dân làng đặt ụ súng để bắn trả tàu Pháp. Đó cũng là nơi làm nên lịch sử, mang đến danh hiệu anh hùng cho xã Phương Khoan.

Người dân địa phương cho biết, không cần biết hai cây cổ thụ này có "thiêng" và những câu chuyện huyền bí xung quanh chúng có thật hay không. Nhưng họ sẽ không bao giờ chặt và phá hoại hai cây cổ thụ này, bởi chúng đã chứng nhân cho bao thế hệ con em của làng sinh ra và lớn lên. Hai cây cổ thụ này chẳng khác nào linh hồn của làng, chúng không thua những cây đa, giếng nước là biểu tượng của những ngôi làng ở các địa phương khác.

Đ.Hạnh-T.Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120711075656576p1001c1049/hai-cay-co-thu-lon-nhat-dai-song-lo-va-nhung-cau-chuyen-huyen-bi.htm