Hà Tĩnh: Xử lý hậu thu hồi đất TĐC Formosa, tỉnh đẩy xuống, xã huyện đẩy lên!

Kết luận 66 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ký vào ngày 11/2/2015, tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho việc giải quyết, thực hiện kết luận của chính quyền địa phương.

Kết luận 66 có nhiều bất cập?

Để tìm hiểu sâu hơn về Kết luận 66 của UBND tỉnh do ông Lê Đình Sơn (lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh) ký, PV Infonet đã tiếp xúc, trao đổi với nhiều cán bộ có thâm niên trong Hội đồng bồi thường tái định cư (HĐ BTTĐC) của huyện Kỳ Anh (cũ) nay là thị xã Kỳ Anh.

Kết luận 66 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gây nhiều tranh cãi.

Một vị cán bộ (xin giấu tên) cho biết: “Kết luận 66 là đúng theo quy định của tỉnh. Tuy nhiên, nó vẫn còn nhiều bất cập, vì đây là một dự án trọng điểm, ảnh hưởng đến 6 xã. Việc xét TĐC thì lại áp dụng hoàn toàn theo Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Mà Quyết định 07 lại là Quyết định chung chứ không phải là quyết định riêng đặc thù cho một dự án. Trong khi UBND tỉnh cho rằng, Dự án Formosa là dự án trọng điểm Quốc gia thì Thanh tra tỉnh lại áp dụng theo Quyết định 07 thì đây không phải là dự án trọng điểm. Đó là bất cập tthứ nhất".

Vị này phân tích: "Tại Điều 30 của Quyết định 07, áp dụng cho từng dự án, đây cũng là một dự án, tuy nhiên nó bất cập ở những điểm sau:

Trong Kết luận thanh tra, tỉnh đã phát hiện ra cái đúng, cái sai, tuy nhiên chưa phát hiện ra cái bất cập của chính sách để bổ sung. Cụ thể, trong Điều 30, Quyết định 07: “Phải thu hồi đất ở, có nhà ở trên đất, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và không có chỗ ở nào khác trên địa bàn thì được bố trí một suất TĐC ”.

Bất cập ở đây là hộ khẩu thường trú (theo luật cũ) là ở xóm, còn không có chỗ ở nào khác trên địa bàn là xã thì được cấp TĐC. Tuy nhiên, trước đó không hề có một hướng dẫn nào của UBND tỉnh, HĐ BT TĐC. Hơn nữa, khi bắt đầu có manh nha của dự án thì chính quyền tuyên truyền cho người dân là không được xây dựng cơi nới, nhưng không có một văn bản thông báo nào, chỉ tuyên truyền chung chung.

Ví dụ như trường hợp của bà Phan Thị Dốc, phường Kỳ Liên (xã Kỳ Liên cũ), khi tuổi cao, ở một mình nhà cửa xuống cấp, nên được động viên không xây dựng cơi nới mà về ở với con (con ở xóm khác). Thời điểm kiểm đếm thì vẫn có đất ở, còn hiện trạng nền móng, tường nhà, có hộ khẩu riêng, được cấp đất TĐC là đúng. Việc Kết luận Thanh tra tỉnh cho là không đúng đối tượng là hoàn toàn bất hợp lý”.

Cũng theo vị cán bộ này, Kết luận 66 của UBND tỉnh còn một bất cập lớn nữa là chưa chỉ ra được thời điểm nào là khởi đầu và kết thúc dự án khi trải dài trên 6 xã trong một thời gian dài.

"Chính những bất cập đó khiến chính quyền địa phương rất khó trong việc thực hiện, xử lý kết luận", vị này.

“Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”

Trước những bất cập trên, UBND thị xã Kỳ Anh cho rằng ngoài tầm xử lý, còn Thanh tra tỉnh cho rằng chính quyền thị xã phải thực hiện theo đúng kết luận đã ban hành.

Rất nhiều lô đất cấp TĐC cho các hộ dân bị thu hồi vì theo Kết luận 66 là cấp sai đối tượng đến nay vẫn chưa được xử lý.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Kết luận 66 là rất bất cập, chính điều này gây cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho UBND thị xã trong việc thực hiện xử lý những tồn đọng của kết luận chỉ ra.

Hiện tại chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền xử lý những khiếu nại của người dân trong vấn đề đất TĐC. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ là hiện tại, tiền người dân đã nộp để nhận đất, bây giờ thu hồi lại đất thì trả như thế nào, trả vào thời điểm nào và trả vào tài khoản nào.

Việc này, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng và Sở Tài chính nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Những vấn đề này Thị xã cũng đã báo cáo với UBND tỉnh những vướng mắc trong xử lý Kết luận 66 vì Thị xã không đủ thẩm quyền để xử lý".

"Hiện tại người dân rất cần một câu trả lời dứt điểm, nếu thu hồi đất của họ thì phải trả tiền lại cho họ, còn nếu không thì phải nộp bao nhiêu tiền để được nhận đất thì UBND tỉnh vẫn chưa có câu trả lời”, ông Hà nói.

Còn ông Lê Bá Đức – Phó Chánh thanh tra tỉnh thì cho rằng: “Việc kết luận được làm rất chặt chẽ, đoàn thanh tra đã phân ra thời kỳ rất rõ ràng. Thời kỳ nào phê duyệt bồi thường mà rơi vào Quyết định 07 thì áp dụng theo quyết định này, còn thời kỳ nào trước Quyết định 07 thì áp dụng theo Quyết định 33, không có chuyện là áp dụng theo Quyết định 07 cho cả dự án.

Khi đưa ra kết luận đoàn cũng đã làm như thế nào cho thấu tình đạt lý, nhưng cũng không tránh khỏi những trường hợp này trường hợp khác thắc mắc, vì chung của 6 xã rất nhiều đối tượng.

Hơn nữa, khi đưa ra quyết định thu hồi những lô đất được cấp sai đối tượng thì đã có nhiều lô đã xây nhà ở, người dân đã nộp tiền sử dụng đất, điều này thì phương án chi trả, nộp thêm tiền như thế nào thì đã giao cho UBND huyện Kỳ Anh (cũ) tính toán trình phương án".

Ông Đức khẳng định: "Khi một kết luận đã ban hành thì phải thực hiện theo kết luận đó, trừ trường hợp có những thay đổi hồ sơ thì mới điều chỉnh kết luận đó. Còn thực hiện kết luận trách nhiệm chính vẫn là thị xã Kỳ Anh và một số Sở, Ban ngành liên quan”.

Điều 30/ QĐ 07. Các trường hợp được bố trí tái định cư

Hộ gia đình, cá nhân khi bị Nhà nước thu hồi đất ở mà có nhà gắn liền với đất, có người ở và đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đất bị thu hồi thì được bố trí tái định cư trong các trường hợp sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tái định cư).

2. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của ủy ban nhân dân tỉnh và không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.

3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở và không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.

4. Hộ gia đình bị thu hồi toàn bộ đất ở có nhiều thế hệ (2 cặp vợ chồng trở lên) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở bị thu hồi, có nhu cầu về đất ở thì mỗi hộ mới tách được Hội đồng bồi thường căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để lập phương án bố trí tái định cư trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Hộ gia đình bị thu hồi đất ở, có đủ điều kiện được bồi thường đất ở, có diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn quy định hạn mức giao đất ở mới nhưng không đủ điều kiện được giao thêm lô đất thứ 2, thứ 3... thì giá diện tích đất ở vượt hạn mức quy định bằng 105% giá đất ở của thửa đất bị thu hồi.

Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi diện tích đất được bồi thường theo giá đất ở lớn hơn hoặc bằng 150% hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh nhưng không đủ điều kiện được giao thêm lô thứ 2, thứ 3 thì cứ vượt 50% hạn mức giao đất ở mới được giao thêm 50% diện tích đất ở tối thiểu theo từng vùng được quy định tại Điều 24 của Quy định này, nhưng tổng diện tích các lô tái định cư được giao không vượt quá 2 lần hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh hoặc không vượt quá 2 lô đất tái định cư theo quy hoạch tại vị trí giao đất.

Điều 23/ QĐ 33 UBND tỉnh Hà Tĩnh. Xử lý một số trường hợp cụ thể về giao đất tái định cư

1. Đối tượng được bồi thường đất ở, bị giải tỏa hoàn toàn, được giao đất tại khu tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất tại khu tái định cư. Giá đất tại khu tái định cư được tính theo giá đất đã có hạ tầng theo quy định của UBND tỉnh và được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ, nếu có chênh lệch thì thực hiện thanh toán bằng tiền phần chênh lệch đó.

2. Hộ gia đình bị thu hồi đất hợp pháp, phải di chuyển chỗ ở, có đủ điều kiện được bố trí tái định cư nhưng hộ gia đình có nguyện vọng tự tái định cư thì được hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng tỷ lệ % trên tổng giá trị bồi thường về diện tích đất ở của hộ đó, cụ thể như sau:

a) Mức 10% đối với đất ở thuộc vùng thị xã, thị trấn, bám đầu mối các trục đường Quốc lộ, Tỉnh lộ;

b) Mức 20% đối với đất ở thuộc các vùng còn lại.

3. Các hộ gia đình bị thu hồi đất (phải di chuyển chỗ ở), có đủ điều kiện được bồi thường đất ở, có từ 2 cặp vợ chồng trở lên (kể cả cặp vợ chồng bố mẹ) thực tế đang sống chung trong cùng một nhà xác định tại thời điểm kiểm kê lập phương án bồi thường, bị thu hồi toàn bộ diện tích thửa đất, nếu không có chỗ ở nào khác, có nhu cầu về đất ở thì mỗi cặp vợ chồng tăng thêm (trừ cặp vợ chồng đứng tên chủ hộ đã được bố trí đất tái định cư) được bố trí thêm 01 lô đất tái định cư và phải nộp tiền sử dụng đất tại khu tái định cư theo mức giá quy định của UBND tỉnh.

4. Các hộ gia đình bị thu hồi đất ở, có đủ điều kiện được bồi thường đất ở, có diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn quy định hạn mức giao đất ở mới nhưng không đủ điều kiện được giao thêm lô đất thứ hai, thứ ba ... thì được hỗ trợ thêm mỗi m2 đất ở vượt hạn mức quy định một khoản tiền bằng 5% giá đất ở của thửa đất bị thu hồi.

5. Đối với hộ gia đình bị thu hồi đất ở (phải di chuyển chỗ ở) nhưng không đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại về đất, hộ gia đình thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị thu hồi nhà do giải phóng mặt bằng không có chỗ ở nào khác, nếu có nhu cầu về đất ở thì tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đề xuất từng trường hợp được bố trí đất tái định cư và phải nộp 100% tiền sử dụng đất tại khu tái định cư theo mức giá quy định của UBND tỉnh.

6. Xử lý một số trường hợp đặc biệt:

Đối với các hộ thuộc diện tái định cư có hoàn cảnh thực sự khó khăn về chỗ ở mới, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ không đủ thanh toán giá trị tiền sử dụng đất mức thấp nhất trong quỹ đất tái định cư (được UBND xã, phường xác nhận) thì được trả chậm, trả góp phần giá trị chênh lệch về đất ở trong thời gian tối đa là 10 năm, nhưng số tiền nộp lần đầu phải bằng số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất đã nhận.

Đặng Sơn – Hà Vũ

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ha-tinh-xu-ly-hau-thu-hoi-dat-tdc-formosa-tinh-day-xuong-xa-huyen-day-len-post230077.info