Hà Tĩnh: Vụ án Hào Thành- bị cáo kháng cáo kêu oan (Kỳ 3)

(CL)- Mấu chốt của vấn đề trong vụ án này là phải xác định được có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại xảy ra cho nhà nước thì cơ quan điều tra và viện kiểm sát, tòa án chưa làm được điều này.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách: Cơ quan điều tra đã căn cứ vào giá trị tiền DNTN Hồng Lam thi công tự khai là 406.312.000 đồng là không đúng quy trình. Bài 3: Kết án dựa trên lời khai và các nhận định không có giá trị pháp lý? Trao đổi với PV báo điện tử Công luận, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho hay: Khi điều tra, cơ quan điều tra đã căn cứ vào giá trị tiền DNTN Hồng Lam thi công tự khai là 406.312.000 đồng là không đúng quy trình. Điều đó được chứng minh bởi vì con số này được căn cứ sau: Hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành do DNTN Hồng Lam lập ngày 14/9/2009 và hồ sơ đề nghị quyết toán của chủ đầu tư là không khách quan vì đến thời điểm 14/9/2009 thì vụ án đã được khởi tố, đã có quyết định khởi tố bị can từ ngày 7/8/2009. Trong đó DNTN Hồng Lam có liên quan trực tiếp đến vụ án nên không thể xem xét các văn bản của doanh nghiệp này đưa ra sau khởi tố làm chứng cứ. Điều đó sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về xem xét và đánh giá chứng cứ. Mặt khác, biên bản thống nhất số liệu thẩm tra quyết toán lập ngày 30/10/2009 giữa phòng Tài chính– Sở tài chính tỉnh Hà Tĩnh với chủ đầu tư là BQLCT TP Hà Tĩnh là không có giá trị pháp lý bởi vì Phòng Tài chính– Sở tài chính không phải là một pháp nhân để có đủ thẩm quyền đưa ra phán quyết, nhận định, bản thân chủ đầu tư đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên không thể đóng vai trò vừa là bị hại, vừa là người vi phạm pháp luật. Đặc biệt, các con số này không có căn cứ pháp lý và thiếu tính thuyết phục. Cụ thể: Biên bản thống nhất số liệu thẩm tra quyết toán lập ngày 30/10/2009 không phải là một chứng cứ. Nó không có giá trị pháp lý để xem xét trong vụ án này bởi vì việc xem xét do chính đơn vị chủ đầu tư đang có sai phạm lập ra. Đồng thời, những thành phần tham gia ký trong biên bản này không phải là những giám định viên theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp nên không thể kết luận về giá trị công trình hay thất thoát của công trình. Bản thân biên bản này cũng chỉ nói là “thẩm tra” trong khi thuật ngữ trong hình sự không có điều luật nào quy định hoặc cho phép sử dụng biên bản thẩm tra làm chứng cứ buộc tội đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp nữa, ngày 1/12/2009, Giám đốc Sở Tài chính có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh trong đó khẳng định thiệt hại xảy ra chưa? thiệt hại xảy ra vào thời điểm nào thì kết quả phải phụ thuộc vào kết luận của cơ quan giám định có thẩm quyền và không thuộc phạm vi chức năng của Sở Tài chính. Như vậy, chính Sở Tài chính đã khẳng định mình không có thẩm quyền kết luận, giám định hoặc thẩm tra thiệt hại xảy ra tại dự án. Do đó, biên bản thống nhất số liệu thẩm tra ngày 30/10/2009 đã bị chính Sở Tài chính phủ nhận tính hiệu lực của nó. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và viện kiểm sát vẫn hồn nhiên sử dụng nó để làm chứng cứ buộc tội với ông Thêm và một vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, Biên bản thẩm tra không có giá trị như một kết luận giám định thiệt hại về tài chính. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ làm một phép tính đơn giản là lấy 1 tỷ đồng mà kho bạc đã thanh toán để trừ đi con số theo các biên bản nêu ở phần 1 để rồi đưa ra thiệt hại là không đúng quy trình tố tụng hình sự bởi vì: Trong bất kỳ một vụ án hình sự nào, để tính thiệt hại xảy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định để xác định giá trị công trình, từ đó xác định thiệt hại xảy ra. Quá trình trưng cầu giám định phải được tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh giám định tư pháp ngày 29/9/2004, nghị định số 67/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh giám định tư pháp. Theo quy định tại các văn bản nêu trên thì chỉ có giám định viên, người giám định theo vụ việc mới được thực hiện việc giám định và đưa ra các kết luận. Các kết luận này có giá trị là một chứng cứ mà không cần phải chứng minh. “Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng đã không hề thực hiện quy trình này. Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. VKSND thành phố Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện việc kiểm sát điều tra cũng đã không đề nghị cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định là một sự thiếu trách nhiệm. Nguy hiểm hơn, khi hồ sơ được đưa sang thì viện kiểm sát lại không trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra, trưng cầu giám định thiệt hại mà lại ra cáo trạng và quy chụp con số không có giá trị pháp lý để buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm là một sự sai lầm nghiêm trọng”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh. Chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nhưng vẫn bị buộc tội? Theo một số luật sư: Các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật trong vụ án này là chưa đủ. Theo quy định tại điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trong vụ án này, muốn chứng minh tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, trong vụ án này thì những quy định của pháp luật đã bị bỏ qua. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dựa trên các chứng cứ thiếu tính thuyết phục, dựa vào những văn bản có nội dung không đúng và điều đặc biệt là những văn bản này không phải là chứng cứ để buộc tội bởi nó không đáp ứng được các thuộc tính của chứng cứ theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Mấu chốt của vấn đề trong vụ án này là phải xác định được có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại xảy ra cho nhà nước thì cơ quan điều tra và viện kiểm sát, tòa án chưa làm được điều này. Chưa có giám định tài chính nhưng đã kết luận thiệt hại xảy ra Theo quy định của pháp luật, muốn xác định thiệt hại phải căn cứ vào bản kết luận giám định về tài chính. Theo đó, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định đối với các tổ chức giám định hoặc các giám định viên, hoặc người giám định theo vụ. Khi có kết luận giám định thì mới có thể biết được có thiệt hại xảy ra hay không, nếu có thì thiệt hại là bao nhiêu để từ đó làm yếu tố định khung hình phạt đối với các bị can, bị cáo sau này. Đồng thời, cần phải xem xét việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký HĐ 02 là việc thực hiện hợp đồng kinh tế. Theo đó nếu bên nào thực hiện sai, vi phạm điều khoản của hợp đồng thì phải chịu chế tài và trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về hợp đồng chứ không nên hình sự hóa các quan hệ pháp luật phi hình sự để làm oan sai người vô tội. “Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này nếu nhà thầu xây dựng có ứng tiền nhiều hơn giá trị được hưởng thì đến khi thanh quyết toán họ phải xuất toán trở lại cho chủ đầu tư và nếu có tranh chấp thì các bên có thể khởi kiện ra tòa kinh tế theo quy định của pháp luật. Đối với vụ việc này đã có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ pháp luật phi hình sự”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhận định. Xem xét trên thực tế thì mục đích của chủ đầu tư đã đạt được, công trình nạo vét đã đáp ứng được các điều kiện để thực hiện các hạng mục của công trình tiếp theo. Do đó mà công trình đã được xây dựng khang trang và được đưa vào sử dụng nhiều năm nay mà không có thiệt hại xảy ra. Điều đó chứng tỏ chất lượng công trình không hề bị giảm sút và vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn đề ra của chủ đầu tư. Tòa phúc thẩm có thể xem xét hủy án hay tuyên bị cáo vô tội? “Trên thực tế cho thấy: 1. HĐ 02 đã được các bên tham gia ký kết thực hiện đạt tiêu chuẩn; 2. Thiệt hại trên thực tế chưa hề xảy ra vì chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa tiến hành thủ tục thanh quyết toán công trình; 3. Công trình đã được đưa vào sử dụng và không có sự ảnh hưởng về chất lượng công trình hoặc chưa có dấu hiệu của sự hư hỏng; 4. Chưa có đủ chứng cứ để chứng minh cho việc cố ý làm trái giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công để trục lợi; 5. Không có chứng cứ để chứng minh thiệt hại của nhà nước. Thế nhưng, TAND thành phố Hà Tĩnh đã vội vã kết án các bị cáo. Do đó, bị cáo Nguyễn Đăng Thêm đã kháng cáo kêu oan và đây là một cơ sở để TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử xem xét xem có hay không việc kết án oan? Và nếu cấp sơ thẩm đã kết án oan cho bị cáo thì cần phải sửa án, tuyên bị cáo không phạm tội”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh. Nhóm PVĐT

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Dieutra/Ha-Tinh:-Vu-an-Hao-Thanh--bi-cao-khang-cao-keu-oan-(Ky-3)/95010CC019E71AB4/