Hà Tĩnh: Vì sao người trúng đấu giá 32 xe máy cũ với mức 6,8 tỉ đồng bỏ cọc?

32 xe máy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh được đưa ra tổ chức đấu giá. Sau 4 vòng, một người ở Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá với mức tiền là 6,8 tỷ đồng. Sau đó người này đã bỏ cọc, cơ quan quản lý đang làm thủ tục cho đấu giá lại lô tài sản này.

32 xe máy cũ đấu giá lên 6,8 tỷ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm

Ngày 25/7, đại diện Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), xác nhận, một người tham gia đấu giá quê tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa trúng đấu giá 32 chiếc xe máy đã qua sử dụng với mức giá lên tới 6,8 tỷ đồng.

32 xe máy cũ được đấu giá lên tới 6,8 tỷ đồng

Trước đó, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh (Công an tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 32 chiếc xe máy cũ với giá khởi điểm 68.300.000 đồng. Số phương tiện này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ nhà nước.

Mỗi bước giá (mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên) là 500.000 đồng, còn tiền đặt trước 10 triệu đồng.

Hơn 120 người tham gia ở thời điểm đấu giá. Ban đầu mức giá được đấu lên 500 triệu đồng, vòng thứ 2 lên 1,2 tỷ đồng, vòng thứ 3 lên tới 5 tỷ. Cuối cùng, một vị khách ở Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá lên tới 6,8 tỷ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm.

Theo đại diện Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh, 32 chiếc xe máy cũ không có gì đặc biệt. "Việc đấu lên mức giá đó là cao đột ngột. Tuy nhiên, trong đấu giá, việc này là bình thường. Đây không phải lần đầu tiên, ở Hà Tĩnh mỗi năm có hơn 10 trường hợp tương tự như thế. Người tham gia đấu giá có mục đích của họ, đó là quyền lợi của khách", vị này lý giải.

Theo lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh, giá trị của 32 chiếc xe máy cũ nêu trên rơi vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Việc mức đấu giá cuối cùng lên tới 6,8 tỷ đồng do những người tham gia không chịu nhường và tranh nhau.

Người trúng đấu giá đã bỏ cọc

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, liên quan việc 32 chiếc xe máy đã qua sử dụng được đấu giá mức tiền lên tới 6,8 tỷ đồng, người trúng đấu giá đã bỏ cọc.

"Lý do là vì họ cho rằng số tiền quá lớn so với giá trị thực tế của lô xe máy cũ được định giá chỉ có mấy chục triệu này. Số tiền người này đặt trước 10 triệu đồng, đơn vị sung công quỹ nhà nước. Bây giờ họ không mua nữa, chúng tôi sẽ làm thủ tục để đưa 32 chiếc xe này ra đấu giá lại", lãnh đạo Công an TX Hồng Lĩnh cho biết.

Nhiều xe máy bán đấu giá đã hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn đấu lên gấp 100 lần giá khởi điểm, để rồi lại bỏ cọc

Theo tìm hiểu, 32 xe máy được đưa ra đấu giá nói trên đa phần là những dòng "huyền thoại", thuộc diện độc và cổ tại Việt Nam. Trong đó, có những xe mô tô được các "tay chơi tốc độ" săn lùng như Ducati 999S (được sản xuất vào 2003); Suzuki RGV120 (mẫu xe được ra mắt tại Việt Nam năm 1997); Suzuki Satria 120 (dòng underbone động cơ 2 thì được sản xuất tại Indonesia lần đầu vào năm 1998); Honda NSR 150 (mẫu xe từng là ước mơ của nhiều thanh niên Việt Nam cách đây khoảng 20 năm)...

Theo đại diện Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh, 32 chiếc xe máy cũ không có gì đặc biệt, thậm chí nhiều chiếc xe chỉ thuộc hàng "sắt vụn" vì đã hư hỏng gần như toàn bộ. Song, đây lại là những loại xe được các "tay chơi tốc độ" săn lùng ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam vì là "hàng cổ".

Lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh cho hay, 32 xe máy đã qua sử dụng là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ nhà nước. Trước khi đưa ra đấu giá, cơ quan chức năng khảo sát, định giá lô tài sản này gần 70 triệu đồng. Với giá khởi điểm như vậy, sau khi đấu giá, giá trị 32 xe máy cũ sẽ rơi vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng.

Công an thị xã Hồng Lĩnh muốn "giải quyết" lô xe cũ này cho rộng kho tang vật, và vì để lâu gây nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ. Song, trong buổi đấu giá, dựa vào luật cho phép và người tham gia không ai nhường ai nên đấu giá qua các vòng lên cao ngất ngưởng, chốt giá rồi bỏ cọc.

Cơ quan quản lý chỉ thu về được 10 triệu đồng mà người này đặt cọc trước, trong khi đơn vị phải lãng phí thời gian, công sức để làm hồ sơ, tổ chức đấu giá lại.

Theo dư luận, đây là một dạng giao kèo có sự ràng buộc về mặt giấy tờ, pháp lý. Nếu bên nảo tự ý bỏ kèo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ít nhất, cũng phải trả lại cho tổ chức đấu giá đủ số tiền bỏ ra cho chi phí cuộc đấu giá đó.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-nguoi-trung-dau-gia-32-xe-may-cu-voi-muc-68-ti-dong-bo-coc-post268353.html