Hà Tĩnh: Chủ động phòng chống cháy nổ trong mùa nắng

Thời tiết khu vực Hà Tĩnh bắt đầu vào mùa nắng nóng gay gắt, khô hanh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ cho người dân trong mùa nắng.

Công tác tuyên truyền, tập huấn về PCCC&CNCH cho người dân luôn được lực lượng công an các địa phương chủ động thực hiện.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 214 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đã làm rõ nguyên nhân 15/17 vụ, trong đó chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (13 vụ). Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy nhất trên toàn tỉnh (4 vụ), tiếp đến là thị xã Hồng Lĩnh (3 vụ) và Thạch Hà (3 vụ).

Trung tá Đậu Đình Hòa - Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH Trung tâm (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH) khuyến cáo: “Hà Tĩnh đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nguy cơ cháy nổ luôn thường trực nếu lơ là, chủ quan trong công tác phòng ngừa. Do vậy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng… và tuyệt đối không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy nổ.

Đồng thời, sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sinh hoạt hằng ngày. Sử dụng hệ thống điện cần có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm và tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; trang bị mỗi hộ gia đình tối thiểu 1 bình chữa cháy nhằm hạn chế tối đa nguy cơ và chữa cháy kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra”.

Được biết, để phòng ngừa cháy nổ, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường công tác tuyên truyền. Đơn vị đã đăng phát 382 tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức 228 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH với trên 14 nghìn người tham gia; tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại 6 địa điểm trên toàn tỉnh, thu hút hơn 4 nghìn người tham gia.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC tại các cơ sở.

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh khuyến cáo: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh: Người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng cháy, chữa cháy; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện, dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Đối với các khu dân cư: UBND các địa phương cần xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và các mô hình như: Tổ liên gia an toàn PCCC; điểm chữa cháy công cộng; xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức cho đội dân phòng thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy sát thực tế; xây dựng cơ chế phối hợp cùng các lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH, công an, điện lực, cấp nước, y tế... để giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giao thông... Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên cần xây dựng bến lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy...

Đối với các hộ gia đình: Cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay, xà beng, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng; chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người và tài sản đề phòng cháy xảy ra.

Đối với mỗi người dân: Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC&CNCH, tự trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để dập lửa, đồng thời báo cháy cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH qua số điện thoại 114 hoặc app Báo cháy 114 và tích cực tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường ngày và nâng cao cho cán bộ, chiến sỹ.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an các huyện, thành phố, thị xã cũng đã chủ động kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC tại 692 cơ sở, kịp thời phát hiện, kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở khắc phục các thiếu sót để đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra đã phát hiện, lập 25 biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 63,7 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động xây dựng kế hoạch PCCC&CNCH một cách bài bản, cụ thể. Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ 24/24h; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thường ngày và nâng cao cho cán bộ, chiến sỹ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án; tổ chức tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo; luôn sẵn sàng để công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Để công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất vẫn là mỗi người cần phải nâng cao ý thức về PCCC. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình cần chủ động phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi không may xảy ra sự cố cháy nổ; chủ động nắm bắt, sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy khi xảy ra cháy nổ.

Trần Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-tinh-chu-dong-phong-chong-chay-no-trong-mua-nang-372949.html