Hà Nội xuất kỳ chiêu, Hà Tăng ẵm đại gia...

(Trái hay phải)- Giữa lúc kiều nữ Tăng Thanh Hà nhởn nhơ đi lấy chồng giàu, thì dân nghèo Thủ đô nhận quả đấm suýt vỡ mồm từ ngành xe buýt, còn câu chuyện chất tạo nạc trở nên rối như canh hẹ.

Thông tin về việc đất Hà thành văn minh thanh lịch rục rịch chuẩn bị tăng giá vé xe buýt xem chừng không được các nhà báo săn đón như dạo nào Bộ nọ dọa thu phí giao thông, khiến nhiều người tưởng đâu chỉ là chuyện nhỏ tí ti như 18.000 tỷ của ngành Dầu khí. Chả nhẽ nói nhiều quá chuyện giá tăng, cái gì cũng tăng và lúc nào cũng tăng vùn vụt như tên lửa mãi rồi nên...nhờn ngôn?

Nói vậy thôi, đừng có mà đùa, thử nhìn xem cái khoản nghiên cứu đối tượng tác động của chính sách thì Hà Nội ăn đứt Bộ Giao thông vận tải của ông Đinh La Thăng. Hãy thử nghĩ mà xem, các cụ ta đã dạy rồi, con nhà giàu xước gai mùng tơi còn kêu to hơn con nhà nghèo vỡ đầu lòi ruột, ấy mà Bộ Giao thông lại nhăm nhe nắm đầu cái bọn nhà giàu.

Có phải lúc nào cũng nắm đầu có tóc được đâu? Vả lại, nắm đầu có tóc thì...có gì tài nào? Ai chả biết như thế cơ chứ. Hà Nội không cần rút kinh nghiệm tăng phí phương tiện giao thông cá nhân của ông Bộ trưởng Thăng làm gì, Hà Nội nắm đầu không có tóc mới là cao tay!

Ừ, nếu nói kẻ đi ô tô (công vụ hay là riêng vụ cũng như nhau cả), đi xe máy thì giàu hơn người đi xe buýt chắc không có bạn đọc nào phản đối, trách sao được cánh báo chí từ bé như lá cải đến to như lá sen đều đồng loạt tả xung hữu đột mà chống lại Bộ.

Đấy là chưa nói, không có nhà báo nào đi xe buýt, trừ những nhà báo tương lai còn đang mài đũng quần trên ghế giảng đường.

Rút bài học kinh nghiệm từ Bộ Giao thông, sau khi dậm dọa thu phí lưu hành phương tiện theo từng giờ, Hà Nội quyết định bổ xuống đầu đám người có thể tạm gọi là “cùng đinh” trong số những người ngày ngày phải phơi mặt ra đường.

Hiệu quả thì như trên đã nói, báo chí dịu giọng hơn nhiều. Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên, mạnh vì gạo mà bạo vì tiền, cái đám học sinh, sinh viên, người lao động đi xe buýt thấp cổ bé họng biết đường nào mà gào lên trên báo chí?

Chưa hết, bài toán tăng giá vé của Hà Nội còn hết sức hiệu quả nếu nói về khía cạnh kinh tế nữa cơ, thưa các quý độc giả. Có gì đâu, cứ làm một phép tính nhẩm của học sinh cấp I thì bạn sẽ thấy ngay: Vé xe buýt tháng hiện tại cho người lao động là 80.000 đồng, dự kiến tăng lên 145.000 đồng, tức là tăng 65.000 đồng mỗi tháng, mỗi năm là 780.000 đồng.

Số tiền này, đẹp làm sao, còn cao hơn gấp mấy lần khoản phí Quỹ Bảo trì đường bộ dành cho xe máy, theo phương án mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (từ 80 -180.000 đồng/năm). Chà chà, đúng là thu theo tháng một xem ra hiệu quả hơn nhiều việc bổ theo năm, Bộ Giao thông vận tải quả là dại thật.

Nhưng giả sử bạn nào muốn trao bằng phát minh sáng tạo cho Hà Nội thì cũng xin đừng vội: Người Việt Nam ta vốn có biệt tài trong việc chẻ nhỏ dự án để được thông qua mà.

Chỉ có một lăn tăn nho nhỏ của những sĩ phu Bắc Hà ưu thời mẫn thế vốn thời nào cũng đua nhau tụ về Hà Nội: Âm thầm lặng lẽ rút kinh nghiệm từ Bộ Giao thông thì đã đành, nhưng sao Hà Nội lại còn muốn ngang ngược ngáng chân Bộ trong việc kêu gọi người dân “nào ta cùng buýt” nhỉ?

Hê hê, người đi xe máy dại gì mà nộp thêm mỗi năm 780.000 đồng để được đi xe buýt, còn những người đi xe buýt thì rất có khả năng sẽ chuyển sang đi bộ.

Bạn không tin ư, nhất định bạn đi ô tô rồi, bởi ai là hộ nghèo ở thành thị đều biết chuẩn nghèo mới tinh của Việt Nam là 500.000 đồng mỗi tháng, nói khác đi là số tiền này không đủ để bù vào khoản giá vé xe buýt tăng.

Riêng có một vấn đề mà cả Bộ Giao thông vận tải lẫn Hà Nội đều không có gì phải chê trách, thậm chí là các doanh nghiệp Nhà nước còn có thể noi gương để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Như Hà Nội khoe, lượng khách đi xe buýt đã tăng tới 30 lần trong 10 năm qua.

Con số này sẽ còn gây ấn tượng hơn nữa nếu ta thử điểm lại một số “đặc sản” của xe buýt Hà Nội mà số hành khách từng được thử ắt không phải không ít: mất phanh đâm chết người này, lái xe phụ xe hết đấm vỡ mồm lại đồng lòng làm nhục hành khách này, bỏ bến bỏ khách vô tội vạ này…

Đến nỗi, có người đã phải thốt lên mừng rỡ rằng may mà Bộ trưởng Giao thông chỉ dọa sẽ đi làm bằng xe buýt, chứ nếu ngài lỡ dại mà “vi hành” thật thì chẳng biết cái bọn móc túi ở bến xe, cái đám phụ xe lái xe có nể nang mà chừa ngài ra không?

Ái chà, sản phẩm dịch vụ như vậy mà vẫn bán đắt như tôm tươi, thì dại gì mà không tăng giá vé để kiếm thêm chút đỉnh?

Bài học thấm thía mà Hà Nội lẫn Bộ Giao thông để lại cho doanh nghiệp là cứ tăng giá đã, chất lượng hàng hóa dịch vụ cải thiện sau, chúng tôi xin hứa với hành khách là tiền nào của nấy ngay lập tức. Đừng có dốt nát mà học theo những thứ gọi là kinh điển của cơ chế thị trường: chất lượng lên trước, giá cả lên sau, nhé.

Tăng giá vé, xe buýt quả nhiên xứng đáng với lời tôn vinh là “quả đấm thép” của một lãnh đạo Hà Nội, chỉ tiếc rằng người sẽ vỡ miệng vì quả đấm ấy lại là đám dân đen nghèo rớt mồng tơi!

Theo bạn, sao Tăng Thanh Hà lại lấy chồng giàu?

Ngoài câu chuyện vui về xe buýt, mấy ngày qua, độc giả còn ong hết cả tai vì những thông tin rối như canh hẹ quanh miếng ăn hớp nước hàng ngày.

Hãy khoan bàn đến chuyện TP.HCM chuẩn bị tăng giá nước sinh hoạt, mời bạn dỏng tai nghe các báo đưa tin: Trong khi Bộ Nông nghiệp cấm các chất Ractopamin (chất tạo nạc), thì Bộ Y tế lại đưa chúng vào danh mục được sử dụng với quy định rõ trường hợp sử dụng, hàm lượng (theo Báo điện tử Kiến Thức).

Chưa hết, sau khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an thu giữ 1,4 tấn Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất tạo nạc bị cấm, báo Tuổi Trẻ đã truy nguồn gốc, phát hiện Bộ Nông nghiệp cho phép nhập.

Hây dà, đúng là chẳng biết đường nào mà lần với câu chuyện chất tạo nạc loằng ngoằng này, nhất là khi ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp từng khẳng khái tuyên bố việc sử dụng chất tạo nạc là tội ác không thể tha thứ.

Riêng với câu hỏi oái ăm lâu nay không ai trả lời nổi là sao 5 Bộ cùng quản lý mâm cơm người dân mà kết quả vẫn chẳng đi tới đâu, qua sự vụ này, người nào lém lỉnh có thể giải đáp được ngay: Các bác ấy còn chưa thống nhất với nhau nổi, sao mà quản nổi mâm cơm của dân? So với lưới trời tuy thưa mà khó lọt, lưới của các Bộ tuy chặt nhưng lại hay để lọt cá to.

Chỉ thấy lo cho Bộ Y tế, các bệnh viện làm sao mà chạy chữa xuể nếu người dân ăn gì cũng phập phồng nguy cơ thối tim chìm phổi, nhịn mồm nhịn miệng thì nguy cơ suy dinh dưỡng rình rập.

Dân mình lại mang tiếng nhát chết nhất quả đất, như Bộ trưởng Y tế từng nói, cứ đòi phải lên viện trung ương, viện thành phố mà nằm kia chứ nào có chịu chữa ở nhà quê. Nguy cơ các bệnh viện thêm quá tải đang hiển hiện.

May mắn thay, cũng vì nhát chết nên dù bệnh viện có chật chội một chút, viện phí có tăng một tí, dân cũng chả dám hé răng phàn nàn lấy nửa lời. Có bệnh thì vái tứ phương chứ tiếc gì mấy đồng bạc bọ, các cụ dạy một mặt người bằng mười mặt của kia mà.

Khỏi bệnh rồi thì dù đang phờ phạc cả người cũng phải gắng gượng dậy mà đi cày cuốc kiếm tiền. Phí giao thông, phí bệnh viện, giá vé xe buýt, giá nước sinh hoạt đang chờ sẵn, sắp tới ra cây ATM rút tiền của mình cũng mất phí đấy!

Trong bối cảnh như vậy, người ta có thể hoàn toàn mà cảm thông cho kiều nữ Tăng Thanh Hà đang say sưa trong niềm vui chuẩn bị lấy chồng đại gia, bất chấp Angela Phương Trinh nước mắt ngắn dài ân hận vì từng yêu bạn trai tỷ phú. Lý do thì dễ hiểu thôi: Chẳng phải tốn nước bọt như ca sỹ Mỹ Linh phê Bộ trưởng Thăng, từ nay Tăng Thanh Hà hẳn sẽ chả phải lăn tăn gì với các loại phí cỏn con.

Hơn nữa, dù hết sức khó tính cũng phải thừa nhận rằng lấy chồng giàu không phải là tội lỗi, dù sao cũng có đạo lý hơn chán vạn kẻ tự vỗ ngực trượng phu mà chẳng dám nhận con, hơn cả cái đám quan huyện trót vì yêu đá mà ngang nhiên rước đá của dân về nhà. Nếu hòn đá đó có thế thành tinh như trong truyện thần tiên, cũng có thể tạm gọi là cưỡng hôn - hay cưỡng hiếp - vậy.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201204/Ha-Noi-xuat-ky-chieu-Ha-Tang-am-chong-giau-2146598/