Hà Nội: Xây trường Tiểu học Võ Thị Sáu người dân, chính quyền nói gì?

Nhiều người dân mong muốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu để cho học sinh sớm được học tập, vui chơi trong một ngôi trường khang trang.

Trường học chung với chùa và nhà dân

Hiện trường Tiểu học Võ Thị Sáu đang hoạt động dạy và học tại 2 địa điểm là 18 ngõ Hàm Long và 35 Trần Hưng Đạo thuộc 2 phường Hàng Bài và Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.

Điểm trường ngõ 18 Hàm Long nằm trong sân chùa Hàm Long

Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tại 18 ngõ Hàm Long có 7 lớp học với 200 học sinh. Địa điểm này nằm trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa chùa Hàm Long, do vậy việc đảm bảo môi trường sư phạm, cơ sở vật chất cho hoạt động dạy và học gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, di tích chùa Hàm Long nằm trong kế hoạch trùng tu, tôn tạo mà quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai GPMB và tiến hành trong thời gian tới. Vì vậy, điểm trường 18 ngõ Hàm Long sẽ phải di chuyển và bàn giao để cải tạo di tích.

Trong khi đó, địa điểm 35 Trần Hưng Đạo hiện chỉ đáp ứng được một phần và không đồng bộ do đang sử dụng chung với các hộ dân, không đạt tiêu chuẩn về cảnh quan, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo điều kiện học tập của học sinh. Do vậy hiện nay việc hoạt động của trường gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà các hộ dân đang sinh sống tại điểm trường 35 Trần Hưng Đạo

Để đảm bảo cho việc học tập của học sinh, dự án xây mới trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại địa chỉ 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn 2 phường Hàng Bài và Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm là giải pháp đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nguyện vọng của người dân trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân (ở 23 Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), việc chính quyền quận Hoàn Kiếm đầu tư xây dựng mới trường tiểu học không chỉ khiến phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên tập thể nhà trường vui mừng, phấn khởi mà còn nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân sinh sống trên địa bàn 2 phường bởi từ lâu con cháu họ phải học tập trong một ngôi trường chật chội, chung với nhà chùa và các hộ dân xung quanh, không được hưởng giá trị không gian sư phạm của một ngôi trường thực thụ.

Bà Xuân cho biết, trường Võ Thị Sáu là một trường chật chội nhất Hà Nội nếu đi ra vùng ven sẽ thấy trường, lớp ở đó rất khang trang. Dân ở đây rất thèm muốn con em được học tập ở một ngôi trường như vậy. “Nhiều năm qua chúng tôi phải gửi con, cháu mình đi học nơi khác trái tuyến rất vất vả, đưa đón khó khăn, ảnh hưởng đến công việc của cha mẹ. Hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh của trường không đạt do điều kiện cơ sở vật chất chật chội khiến phụ huynh không muốn gửi con em mình tới học cho dù đội ngũ giáo viên nhà trường có tâm huyết nghề, lòng yêu thương con trẻ và có trình độ được thể hiện qua các lần thi giáo viên dạy giỏi các cô đều đạt chuẩn rất tốt”.

“Chúng tôi mong muốn các hộ trong khu vực giải phóng mặt bằng hãy cùng vì con em, cùng chung tay đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng sớm trường cho các con sớm được ngày nào hay ngày đó. Khi có trường học khang trang, đầy đủ khu vui chơi, học hành chắc chắn chất lượng học tập của các con sẽ được nâng lên”, bà Xuân nói.

Biển thông báo dự án và phương án hỗ trợ đền bù được công khai.

Là người trực tiếp tới các hộ dân trong phạm vi dự án xây trường để vận động và khuyến khích người dân nhận hỗ trợ đền bù, sớm bàn giao mặt bằng, ông Trần Mạnh Toàn - tổ trưởng tổ dân phố số 5 cho biết, khu đất xây trường trước đây được cơ quan phân cho cán bộ nhân viên ở. “Hiện nay chúng tôi đang vận động bà con sinh sống trên phạm vi dự án chấp nhận hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Dự án này được phường, quận, thành phố rất quan tâm cho cơ chế bồi thường cao nhất ở quận Hoàn Kiếm”.

Theo ông Toàn, thày trò trường Tiểu học Võ Thị Sáu phải sinh hoạt học tập chung với các hộ dân và chùa. Có những lần rơi cả bệ cây cảnh xuống may không vấn đề gì với các cháu học sinh chơi bên dưới. Ngày mùng 1, rằm hay các dịp nhà chùa tụng kinh gõ mõ cũng ảnh hưởng đến các cháu học sinh. Sân trường cũng không có mỗi khi các cháu ra chơi ùa ra mặt ngõ đông rất mất trật tự lối đi của dân trong ngõ.

“Các thầy cô có giỏi đến mấy, các cháu có thông minh đến mấy nhưng với địa điểm cơ ngơi của trường như hiện nay thì việc day và học không thể đạt chất lượng cao. Chính vì vậy rất cần một không gian riêng cho việc dạy và học của nhà trường”, ông Toàn cho biết.

Khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo điểm xây mới trường học đang có 15 hộ dân chính quyền đang vận động đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Tại dự án này, năm 2023 phương án đền bù hỗ trợ cho các hộ dân là 37 tỷ đồng, đến nay mức đền bù được thành phố chấp thuận là hơn 163 tỷ đồng. Tất cả 15 hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng đều được áp vị trí 1, riêng các hộ nhà mặt phố được thêm hệ số 0,5.

Trước những vấn đề còn thắc mắc của người dân thuộc diện phải di dời, ông Toàn bày tỏ, mặc dù mức đền bù là rất tốt được thành phố ưu ái, ở mức cao nhất trên địa bàn quận nhưng họ vấn nêu những lý do này kia. “ Hiện nay có 15 hộ thuộc diện bồi thường hỗ trợ (10 hộ thuộc phường Phan Chu Trinh, 5 hộ phường Hàng Bài). Theo tôi được biết, thời điểm này cũng đã có một số hộ dân phường Phan Chu Trinh đã có đơn đồng ý di dời, chấp thuận nhận tiền đền bù. Tôi hy vọng rằng, các hộ dân khác cũng sớm thực hiện việc di dời với mục tiêu cuối cùng là cho các cháu có một địa điểm học tập tốt, trường đạt chất lượng cao”.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân di dời

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, khu đất 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A phố Trần Hưng Đạo có nguồn gốc là khuôn viên biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước; nằm tại góc phố Trần Hưng Đạo và phố Ngô Quyền; trong đó có 1 tổ chức (Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà) và 25 chủ sử dụng đất (thuộc hai phường Hàng Bài và phường Phan Chu Trinh).

Từ năm 1993, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định thu hồi đất tại khu đất 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo giao cho Cục Kho bạc Nhà nước (thuộc Bộ Tài chính - sau này giao cho Kho bạc Nhà nước Hà Nội) thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và GPMB để xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước.

Giai đoạn này đã di chuyển được 10 hộ dân và 1 tổ chức là Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà và bố trí tái định cư tại 232 Nguyễn Lương Bằng (nay là ngõ 2 phố Tây Sơn) còn lại 15 hộ dân.

Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại địa chỉ 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo để thực hiện Dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Dự án được HĐND quận Hoàn Kiếm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 223/NQ-HĐND ngày 25/11/2021; UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3001/QĐ-UBND ngày 19/8/2022.

Quá trình thực hiện công tác GPMB, thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trường, UBND quận Hoàn Kiếm luôn triển khai theo đúng quy định của Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của UBND quận Hoàn Kiếm đã được Thành phố Hà Nội phê duyệt.

Dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu là một dự án chuyển tiếp, kéo dài hơn 30 năm, với nhiều lần thay đổi chủ trương dự án đầu tư: từ xây dựng trụ sở làm việc của kho bạc đến xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Việc thay đổi này đã khiến cho các hộ dân phát sinh tâm lý hoài nghi về mục tiêu đầu tư tại khu đất khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB. Do đó, bất kỳ dự án nào triển khai tại đây, hộ dân đều có phản ứng khá gay gắt. Tuy nhiên những nội dung có liên quan đến dự án xây dựng trụ sở kho bạc Nhà nước đã được UBND Thành phố giải quyết, trả lời cụ thể tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 709/QĐ-UB ngày 09/02/2006 và chấm dứt xem xét, giải quyết kiến nghị tại Công văn số 4639/UBND-TNMT ngày 19/6/2012.

Vị trí số nhà 36A các hộ dân sinh sống

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, dự án phát sinh nhiều thông tin tiêu cực từ phía dư luận về việc mua bán khu đất, khiến các hộ dân càng thêm hoài nghi về mục tiêu đầu tư của dự án: phải chăng mục tiêu thực sự của dự án là để kinh doanh thương mại thay vì lợi ích công cộng như chủ trương thu hồi đất đã công khai tới các hộ dân. Về việc này, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc nhằm đảm bảo tính minh bạch và tính pháp lý theo luật định.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng khẳng định, dự án xây dựng trường Tiểu học Võ Thị Sáu là dự án được quận Hoàn Kiếm xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thành phố nói chung trong giai đoạn 2021-2025, song song với đó là phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân theo quy định pháp luật. Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến pháp lý, tiến độ thực hiện dự án tại đây.

Điều kiện sinh hoạt chật chội, ẩm thâp

Việc thu hồi đất, GPMB với mục đích là xây dựng trường công lập. Đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai 2013. Dự án mang ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao mở rộng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu học tập cho con em, chất lượng giáo dục, đào tạo của ngành giáo dục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

“UBND quận Hoàn Kiếm sẽ luôn sẵn sàng đồng hành, đối thoại với các hộ dân để sớm hoàn thành GPMB theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật. Chính vì vậy, UBND quận Hoàn Kiếm rất mong các hộ dân ủng hộ chủ trương, chấp hành các chính sách của Nhà nước, sớm nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án và sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”, ông Trịnh Hoàng Tùng nói.

Quy mô trường Tiểu học Võ Thị Sáu có thiết kế 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, 1 tầng tum với chiều cao đến tầng 5 là 18,3m và đến tầng tum là 22,9m với mật độ xây dựng là 60% các phần diện tích còn lại là không gian cảnh quan.

Dự kiến tháng 6/2024 khởi công phá dỡ công trình cũ, tháng 8 hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu xây dựng công trình và triển khai việc thi công.

Đ. Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-xay-truong-tieu-hoc-vo-thi-sau-nguoi-dan-chinh-quyen-noi-gi-post1088263.vov