Hà Nội xác xơ sau bão Mirinae

Sau một đêm mưa gió quần thảo, Hà Nội tan hoang, cây cối đổ rạp, cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều tuyến đường phố bị cấm đường do cây đổ, ngả rạp ra đường.

Cây lát hoa bật gốc trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Đ.Việt

Cây bật gốc đè bẹp xe bên đường

Sáng ngày 28/7, mưa kèm theo gió cực mạnh và lốc xoáy từ cơn bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) vẫn càn quét các tuyến đường Hà Nội. Các bảng quảng cáo lớn, nhiều cây lớn, nhỏ bị quật ngã nằm la liệt. Nhiều ô tô và xe máy bị cây cổ thụ đè bẹp, cảnh tượng Thủ đô Hà Nội tan hoang sau bão đã được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội.

Trên đường Nguyễn Chí Thanh, hàng chục cây lát hoa mới trồng bị bật gốc. Nhiều đoạn liên tiếp 3 - 4 cây đổ đè lên nhau. Riêng đoạn trước số nhà 54 Nguyễn Chí Thanh, có tới 6 cây liền nhau đổ rạp, đè lên xe đậu bên đường. Phần lớn số cây trên tuyến đường này bị bật gốc, số ít còn lại đều bị nghiêng, nguy cơ đổ rất lớn nếu tiếp tục có mưa và gió lớn. Các cây bật gốc trơ phần hố trồng khá nông, rễ cụt chưa kịp lan bám vào đất. Loạt cây lát hoa của tuyến đường này được trồng vào đầu tháng 8/2015.

Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), đường Trần Khánh Toàn, đường, Linh Lang… cũng có nhiều cây đổ, biển quảng cáo bị rơi, gẫy, bay xa.

Dư luận quan tâm là những cây phượng vừa được trồng mới ở các tuyến đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Đào Duy Anh, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Tây Sơn... trong chiến dịch “một triệu cây xanh” của thành phố có bị quật ngã trong bão? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có mặt thị sát những tuyến phố này khi mưa đã ngớt, gió đã suy yếu. Tuy nhiên, qua quan sát những gốc phượng vĩ và phượng tím vừa được trồng mới trên những tuyến đường nói trên vẫn trụ vững.

Liên quan đến việc trồng phượng ở giải phân cách các tuyến đường này, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết đã nghiên cứu rất kỹ. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, đến thời điểm cuối tháng 7 đơn vị này đã trồng được khoảng hơn 300 cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường. Trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều nơi trồng cây phượng như tuyến đường vành đai 2 ven sông Tô Lịch được trồng năm 2010. Các tuyến phố nội đô như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, đường Thanh Niên, phượng cũng là cây được ưu tiên lựa chọn. Qua thị sát của chúng tôi, những hàng phượng ở các tuyến đường này một số ít cây bị gẫy thân, hoặc bật gốc, còn đa số đều đứng vững trước trận cuồng phong rạng sáng 28/7.

Trước khi cơn bão số 1 ập đến, nhiều chuyên gia đã lo ngại khi Thành phố trồng phượng giữa hai làn đường là bất cập. GS.TS Lê Đình Khả, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Trồng phượng ở giữa dải phân cách thì không nên. Ở vị trí này, tôi nghĩ rằng nên chọn những cây tán gọn sẽ hợp lý hơn. Cây phượng tán thưa lại xòe rộng nên rất khó phù hợp”.

Một số tuyến giao thông tê liệt

Cây xanh đổ hàng loạt trên đường phố Hà Nội.

Sáng 28/7, nhiều người dân Hà Nội buộc phải ra đường đi làm, không ít người đã bị cây đổ chắn đường đi, thậm chí đè lên người lúc di chuyển. Nhiều người đã phải đến công sở muộn do giao thông bị tê liệt do bị cấm đường vì có cây đổ.

Chị Nguyên Hạnh ở khu chung cư Kim Văn – Kim Lũ (quận Hoàng Mai) cho biết: “Nhà tôi ở tầng 12, nghe gió rít kinh khủng. Sau mấy chục năm ở Hà Nội đây là lần đầu tiên chứng kiến trận cuồng phong khủng khiếp đến vậy. Buồn là bản tin thời tiết tối qua của VTV không có chữ nào cảnh báo riêng cho Hà Nội”.

Chị Nguyễn Hương Lan ở Gia Thụy, quận Long Biên, trên đường di chuyển đến trụ sở công ty ở 80B Nguyễn Văn Cừ bị gió tạt ngã, chia sẻ: “Chỉ có một đoạn đường nhưng rất nhiều cây bị quật ngã. Nhiều người đi làm phải di chuyển qua cầu Chương Dương mới thấm cảm giác sợ hãi khi gió tạt cực mạnh như chực bay khỏi cầu. Thời gian từ nhà đến công ty kéo dài gấp đôi so với ngày thường vì nhiều cây cối đổ nằm chắn ngang đường. Một số cây lớn bật gốc, nghiêng hẳn ra đường khiến nhiều người lưu thông sợ hãi cây đổ lên người”.

Theo tìm hiểu của PV GĐ&XH, nhiều khu nhà cao tầng gặp nhiều phiền phức từ cơn bão số 1 như: Gió lớn khiến nhiều căn hộ trên cao bị bật cửa, nhiều người phải trắng đêm canh cửa, chắn nước. Nhiều văn phòng làm việc, công sở sáng nay cũng bị ngập nước dù đã đóng kín cửa sổ từ chiều qua.

Hà Nội không có người chết do bão Mirinae

Cho đến cuối ngày 28/7, chưa có thống kê cụ thể thiệt hại tại Thủ đô Hà Nội do cơn bão số 1 gây nên. Tuy nhiên, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP Hà Nội trong phần thiệt hại ban đầu ghi rõ, “báo cáo của Ban tìm kiểm cứu nạn - Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết vào hồi 14g45 ngày 27/7, tại nhà ông Đặng Văn Đáng, thôn An Mỹ, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên đã xảy ra đổ tường lan can tầng 2 làm 1 người chết, 5 người bị thương”. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ khẳng định vụ đổ tường trên xảy ra trước khi bão vào.

Mất điện trên diện rộng

Do ảnh hưởng bão số 1, tại Hà Nội có 99 đường dây điện trung áp bị sự cố. Trong ngày 28/7, Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội đang triển khai toàn bộ nhân lực để kiểm tra và khắc phục các sự cố. Nhiều địa bàn mất điện trên diện rộng như huyện Thanh Trì do gặp sự cố đường điện cao thế nên mất điện từ rạng sáng 28/7, đến trưa cùng ngày mới được khắc phục và có điện trở lại. Tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cũng bị mất điện hoàn toàn. Tại Ninh Bình mất điện ở khu vực ngoại thành.

Q.Thành – Đ.Việt

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-xac-xo-sau-bao-mirinae-20160729091615563.htm