Hà Nội: Vẫn loay hoay tìm phương án xử lý rác thải

Chiều 17-4, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết: Dù vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường trên địa bàn đã kéo dài nhiều năm, nhưng để tìm phương án tối ưu giải quyết vấn đề này là rất khó khăn.

Bảo vệ môi trường cần sự chung tay, nỗ lực của cả cộng đồng

Ảnh: Hoàng Long

Khu dân cư vùng sâu, vùng xa chưa được thu gom rác thải

Theo số liệu thống kê của Sở TNMT Hà Nội, hiện tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn ước 5,371 tấn/ngày, trong đó rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 3.200 tấn/ngày và từ nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày. Mặc dù cả 18 huyện đã thực hiện việc đặt hàng các đơn vị vệ sinh môi trường để thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường, nhưng rất ít địa phương thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn các thôn, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được thu gom rác thải. Trong tổng số 18 huyện ngoại thành chỉ có 5/18 huyện toàn bộ lượng rác thải được thu gom xử lý tập trung, còn 13/18 huyện chỉ thu gom, xử lý được một phần. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ước đạt chưa đến 70%. Tại các huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng.

Do việc xử lý rác thải tại các khu vực nông thôn hiện nay còn hạn chế, nên tại các địa phương một lượng lớn rác thải được tập kết ra đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người ta có thể thấy rất nhiều đống rác to nằm dọc các tuyến đường tỉnh lộ 419 (huyện Thạch Thất), dọc đường quốc lộ 6 như chợ Gốt Đông Sơn, chợ Đông Phương Yên (Chương Mỹ)... Thậm chí, nhiều xã thuộc các huyện ngoại thành có hiện tượng tận dụng ao hồ các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thuật gây mùi hôi thối dẫn tới nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Việc phối kết hợp trong xử lý rác thải còn bất cập

Lý do khiến vấn đề xử lý rác thải không được làm rốt ráo là bởi, đa số các địa phương chưa có khu xử lý rác thải, trong khi năng lực xử lý rác của thành phố là có hạn và không thể tiếp nhận thêm lượng rác thải này. Việc phối kết hợp giữa các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường theo phân cấp quản lý của thành phố còn thiếu chặt chẽ, việc triển khai dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh đối với các huyện thì giẫm chân tại chỗ.

Ông Phạm Văn Khánh cho rằng: Thực tế việc xử lý, thu gom rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, chưa chuyên nghiệp chủ yếu mang tính tự phát. Gần 40% rác thải nông thôn chưa được thu gom xử lý. Trong khi, thành phố mới chỉ hướng cho các huyện tự xử lý theo phương châm "tự cứu mình” khi chưa có quy hoạch cụ thể. Mới đây UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí để địa phương xây dựng khu xử lý rác thải nhưng rất ít địa phương chủ động "tự xử” lượng rác thải ra tại đơn vị mình. Có hàng ngàn lý do được đưa ra, nào là thiếu đất, thiếu kinh phí để giải phóng mặt bằng.. nhưng có đặc điểm rất chung khó lý giải được đó là địa phương nào cũng muốn mang rác sang địa phương khác mà không chịu giải quyết "mặt hàng” này tại địa phương mình.

Trả lời câu hỏi được đặt ra: Tại sao với Thủ đô hiện đại, văn minh như Hà Nội lại không áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải mà lại xử lý thủ công bằng cách chôn lấp như hiện tại, trong khi chỉ vài tháng nữa thôi những hố rác của thành phố đã đầy ứ? Ông Khánh cho biết: Mục tiêu của thành phố đến năm 2015 xây dựng một số nhà máy áp dụng công nghệ xử lý rác thải, việc chôn lấp sẽ chỉ chiếm dưới 50% lượng rác thải. Tuy nhiên, thực hiện điều này cũng không dễ. Bởi với giá thành xử lý rác theo công nghệ tiên tiến phải mất 20-30USD/tấn rác, trong khi rất ít nhà đầu tư dám "dũng cảm” đầu tư vào lĩnh vực thu hồi vốn quá chậm này. Theo ông Khánh, ngay cả công nghệ xử lý rác chỉ mất có 15USD/tấn rác thì cũng đã quá sức của thành phố.

Do vậy, trước mắt thành phố kêu gọi UBND các địa phương ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát vận động người dân hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường; cũng cần tìm điểm tập kết rác thải ở những vùng chưa có bãi chôn lấp rác thải để lập đề án xây dựng trình thành phố trợ kinh phí.

Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Phạm Văn Khánh cho rằng, hiện nay Hà Nội như đại công trường do triển khai công trình rộng khắp, vì vậy vấn đề kiểm soát không khí là rất khó khăn. Trước đây thành phố có quy định: Xe vào trung tâm thành phố phải được rửa tại các trạm rửa xe đặt tại cửa ngõ ra vào Thủ đô. Tuy nhiên, do chế tài xử lý chưa nghiêm nên vẫn còn lượng lớn xe lách luật mang theo bùn đất vào nội đô khiến ô nhiễm ngày càng trở nên trầm trọng.

L.Bình

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49062&menu=1366&style=1