Hà Nội trong ngày đầu phòng, chống dịch theo ba vùng

Từ ngày 6/9, TP Hà Nội chính thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo ba phân vùng theo nội dung của Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố. Tại phân vùng 1, các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông theo hướng siết chặt, quyết liệt hơn để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, một số quận, huyện trong phân vùng 2 và phân vùng 3 thực hiện linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch theo địa bàn, đồng thời bắt đầu nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát lối dẫn lên cầu Chương Dương. Ảnh: MINH HÀ

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát lối dẫn lên cầu Chương Dương. Ảnh: MINH HÀ

Sáng 6/9, tại 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào phân vùng 1 - khu vực trung tâm và hiện là "vùng đỏ" của Hà Nội, Công an thành phố bố trí đầy đủ lực lượng trực phân làn, hướng dẫn phương tiện, kiểm tra giấy tờ, xử lý những trường hợp vi phạm và tuyên truyền, nhắc nhở người dân sử dụng giấy đi đường mới.

Tăng cường nhắc nhở, kiểm soát người đi đường

Trên các tuyến phố trung tâm và các cầu: Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Phù Ðổng, Thanh Trì để di chuyển từ phân vùng 1 sang phân vùng 2 và ngược lại, mật độ phương tiện giao thông ở mức độ vừa phải, nhưng trên một số tuyến đường xuyên tâm như Nguyễn Trãi, Cầu Diễn… vẫn còn hiện tượng ùn ứ vào giờ cao điểm. Lý giải tình trạng này, Trung tá Nguyễn Ðức Thắng, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát Giao thông số 7, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, đèn tín hiệu giao thông qua nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến có thời gian chờ đèn đỏ lên đến 90 giây. Thêm vào đó, ngày 6/9 là ngày đi làm đầu tuần sau kỳ nghỉ dài, số lượng người sử dụng giấy đi đường cũ còn khá nhiều, lực lượng chức năng kiểm tra nhanh giấy đi đường cũ, đồng thời kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thuộc các nhóm được cấp giấy đi đường theo mẫu mới gửi hồ sơ đến những nơi cấp giấy đi đường phù hợp và thời gian tiến hành kiểm tra giấy đi đường mới.

Tại khu vực chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn, lượng phương tiện vào nội đô khá đông. Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát Giao thông số 6 cho biết, tổ công tác đã lập hàng rào dài hàng chục mét để phân luồng từ xa, bảo đảm phương tiện không bị ùn ứ khi lưu thông qua chốt. Tại chốt số 2 trên phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng đã tiến hành đặt barie tách làm ba làn phương tiện để các lực lượng phụ trách tiến hành kiểm tra giấy đi đường nhanh nhất. Do bố trí nhiều lực lượng, tách làn khoa học, cho nên việc dừng xe để kiểm tra rất nhanh chóng. Nếu người dân có đủ giấy tờ, thân nhiệt bình thường, chỉ khoảng sau một, hai phút là lại tiếp tục hành trình.

Ðại tá Dương Ðức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong đêm 5/9 và rạng sáng 6/9, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thức trắng đêm để kịp in mẫu giấy đi đường mới phục vụ người dân. Ðơn vị đã cấp được hơn 80 nghìn giấy đi đường cho các tổ chức, doanh nghiệp công ích thiết yếu. Công an thành phố đang tập hợp, rà soát danh sách của các sở, ngành gửi về và sẽ đối chiếu lại đối tượng, khi thấy đúng thành phần sẽ triển khai cấp theo hướng dẫn mới.

Chị Nguyễn Lan Anh ở phường Xuân La, quận Tây Hồ cho rằng, việc làm chặt ngay từ khâu đầu tiên là cấp giấy đi đường rất đúng, tránh tình trạng một số doanh nghiệp cấp tràn lan giấy đi đường như hiện nay. "Cùng với siết chặt việc cấp giấy đi đường, các lực lượng chức năng cần tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kể cả với các đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ có sự chặt chẽ ở mọi khâu và sự tuân thủ nghiêm các quy định của người dân mới không lãng phí thời gian giãn cách xã hội", chị Lan Anh nêu ý kiến.

Ðể bảo đảm việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong phân vùng 1 trong đợt giãn cách thứ tư, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp ba lần so với tháng bình thường, chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các hộ gia đình trong phân vùng 1 được UBND các quận, huyện thực hiện phát phiếu mua hàng hai lần/tuần để mua hàng trực tiếp tại điểm bán. Sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách và số điện thoại 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online. Khảo sát tại các chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Thành Công (quận Ba Ðình), siêu thị VinMart Nguyễn Chí Thanh, Big C Thăng Long, cửa hàng Sói Biển, Bác Tôm… vào sáng 6/9 cho thấy lượng hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm tươi sống khá dồi dào, giá ổn định, khách hàng đến mua không đông. Cô Hoàng Thị Thục ở phường Phạm Ðình Hổ, quận Hai Bà Trưng cho biết: "Gia đình tôi được dùng thẻ đi mua hàng thiết yếu tại chợ Hôm - Ðức Viên hai lần/tuần. Vì vậy, mỗi lần đi chợ, tôi mua thực phẩm đủ để gia đình sử dụng trong khoảng ba ngày. Lúc đầu, tôi sợ một số mặt hàng hết khi chưa đến ngày đi chợ, nhưng tôi có thể đặt mua online, cũng nhanh và tiện lợi.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát Cầu Diễn trên quốc lộ 32. Ảnh: DUY LINH

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát Cầu Diễn trên quốc lộ 32. Ảnh: DUY LINH

Một số nơi chuyển sang trạng thái bình thường mới

Trong khi đó, tại một số địa bàn trong phân vùng 2, phân vùng 3, chính quyền các quận, huyện, thị xã thực hiện linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch tùy theo diễn biến của dịch, đồng thời bắt đầu nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Huyện Gia Lâm phân chia địa bàn huyện thành ba phân khu theo mức độ nguy cơ của dịch. Cụ thể, phân khu 1 (vùng đỏ) gồm hai thôn thuộc hai xã tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, không cho người ra vào, để khoanh vùng, xử lý và dập dịch triệt để. Phân khu 2 (vùng cam) gồm khu vực các thôn cùng xã đang có thôn phong tỏa, các thôn vừa kết thúc phong tỏa và các cơ sở sản xuất thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Phân khu 3 (vùng xanh) gồm 19 xã, thị trấn, thực hiện như phân khu 2 và cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng ăn được mở cửa hoạt động. Mặc dù chỉ được bán hàng mang về, nhưng các chủ hộ kinh doanh và người dân đều rất phấn khởi. Chị Phạm Thị Hà, đại diện hộ bán hàng ăn sáng tại xã Cổ Bi vui mừng cho biết, được bán hàng trở lại giúp gia đình có thêm thu nhập, bớt khó khăn sau những ngày giãn cách.

Tại huyện Ðông Anh, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, huyện đã hướng dẫn thực hiện phương án bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ngân hàng, các doanh nghiệp trong tình hình mới. Huyện áp dụng linh hoạt biện pháp hành chính theo Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc cao hơn Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo từng phân khu để vừa bảo đảm cho tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại các phân khu và trên địa bàn từng xã, thị trấn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh, Nguyễn Anh Dũng, huyện sẽ tích hợp thêm một số đối tượng để hướng dẫn xây dựng và thực hiện phương án hoạt động an toàn của các cơ quan hành chính; phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; khuyến khích các đơn vị duy trì phương án sản xuất an toàn "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến".

Với số ca mắc Covid-19 trên địa bàn ở mức thấp, huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là mở rộng diện tích gieo trồng các loại rau ngắn ngày, các sản phẩm thế mạnh của địa phương như thịt gà, trứng gia cầm... cung cấp cho thị trường nội đô.

Trong hai tuần tới, TP Hà Nội thực hiện linh hoạt các giải pháp ứng phó với dịch theo diễn biến dịch của từng địa bàn, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian này, thành phố tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách các F0 khỏi cộng đồng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay do số lượng vắc-xin thành phố tiếp nhận chưa đủ, số người được tiêm mới đạt 26,65% số dân, vì vậy người dân trong "vùng đỏ" cần tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội để sớm khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống ở Thủ đô về trạng thái bình thường mới ■

Tổ Phóng viên thường trú Hà Nội

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/ha-noi-trong-ngay-dau-phong-chong-dich-theo-ba-vung-663556/