Hà Nội, TP.HCM: Báo động sụt lún

Số liệu cho thấy nhiều khu vực ở Hà Nội đang sụt lún cục bộ nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do người dân tự khoan giếng nước quá nhiều.

Theo kết quả nghiên cứu của dự án “Quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM bằng kỹ thuật Insar vi phân” do Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện, nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM đang bị lún cục bộ với tốc độ 10mm/năm. Đặc biệt, các khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua thuộc các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15mm/năm.

Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Số liệu cho thấy, mỗi năm, Hà Nội lún từ 10-30mm/năm. Đặc biệt, khu vực Lương Yên, Hạ Đình có độ lún trung bình khoảng 11-18mm/năm. Khu vực Pháp Vân, Thành Công có độ lún lên đến 23-38mm/năm và lún bề mặt có xu hướng tăng 1-2mm mỗi năm.

Giếng khoan: thủ phạm chính

Theo phân tích của giới chuyên môn, nguyên nhân chính khiến nền đất tại các khu đô thị ở Hà Nội và TPHCM đang yếu đi là do người dân tự khoan giếng.

KS Lê Tứ Hải, Liên hiệp Sản xuất khoa học địa chất và nước khoáng giải thích về cơ chế gây sụt lún khi mực nước ngầm bị hạ, đó là: khi mực nước hạ thấp dẫn đến quá trình phân hủy các vật chất hữu cơ trong các tầng bùn sét, góp phần làm giảm tính cơ lý của đất và tăng khả năng sụt lún mặt đất.

PGS-TS Đỗ Minh Toàn, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa chất (ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội) đưa ra hình ảnh, trên một mặt bằng, các hố giếng khoan lỗ chỗ khắp nơi trên mặt đất sẽ tạo một khoảng rỗng trong lòng đất. Điều này khiến khả năng chịu lực, chịu tải trọng của nền đất rỗng này rất kém.

Được biết, năm 2010, TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN-MT TP.HCM nhanh chóng thành lập bộ phận chuyên trách cho công tác này từ cấp TP cho đến cấp cơ sở, gấp rút hoàn thiện cơ chế để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm.

Còn với Hà Nội, Sở TN-MT TP. Hà Nội cũng đang đề xuất: khoan giếng nhỏ quy mô hộ gia đình cũng phải xin phép. Việc quản lý này nhằm mục đích giúp cơ quan quản lý nắm được số liệu các giếng khoan trong địa bàn, đồng thời có các hướng dẫn trong khai thác, sử dụng cho người dân.

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=4&News=5067&tabid=109