Hà Nội: Tìm cách cải thiện kết quả thi tốt nghiệp THPT

Nhiều trường THPT ở Hà Nội có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 không cao đang thực hiện nhiều giải pháp để có thể nâng cao chất lượng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, địa phương xếp thứ 27/63 tỉnh thành. Năm sau đó ngành đã thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy chất lượng và kỳ thi năm ngoái Hà Nội vươn lên xếp thứ 16 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên vẫn có tới 53 đơn vị có tỉ lệ thấp hơn mức trung bình thành phố. Hà Nội có 112 trường THPT có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hơn năm học trước nhưng nếu so sánh số liệu thi tốt nghiệp từ năm 2018 đến 2023 vẫn có tới 62 trường không có sự chuyển biến về chất lượng, thậm chí có xu hướng năm sau thấp hơn năm trước.

Một số trường có điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100%, vẫn có môn học điểm số của học sinh lại rất thấp. Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông có tổng điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 15 thành phố, nhưng môn Hóa học lại đứng thứ 139; Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa có tổng điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 29 thành phố, nhưng môn Vật lý đứng thứ 142, môn Hóa học đứng thứ 146; Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm có tổng điểm thi tốt nghiệp đứng thứ 25 thành phố, nhưng môn Toán đứng thứ 123…

Trong 2 ngày từ 5 đến 6/4 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố để học sinh tập dượt, đồng thời khảo sát chất lượng học sinh. Hà Nội cũng sẽ tập hợp giáo viên cốt cán để ghi hình, dạy học các môn thi tốt nghiệp THPT phát trên Truyền hình Hà Nội cho học sinh ôn tập.

Những đơn vị không có chuyển biến tích cực về tỉ lệ thi tốt nghiệp trong nhiều năm liền được cho là trường có điểm tuyển đầu vào thấp, học sinh gặp khó khăn trong học tập.

Nhiều học sinh có suy nghĩ phấn đấu đạt điểm cao ở tổ hợp môn xét tuyển ĐH, không cần cạnh tranh, cố gắng ở môn điều kiện tốt nghiệp.

Bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều trường chưa xây dựng được chiến lược rõ ràng để nâng cao chất lượng; chưa đạt hiệu quả trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh theo hướng cá biệt hóa, theo từng đối tượng học sinh.

“Yêu cầu người quản lý trường học phải có giải pháp cần thiết và phù hợp để nâng chất lượng cho học sinh, trong đó có việc phân loại học sinh theo từng nhóm năng lực để bố trí giáo viên bồi dưỡng, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, ông Cương nói.

Cá biệt hóa đến từng học sinh

Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên cho biết, hằng năm trường có mức điểm tuyển đầu vào lớp 10 thấp, trung bình mỗi môn chỉ 5,5-5,6 điểm.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) trong một giờ học

Để thúc đẩy chất lượng, nhà trường đã tăng cường kiểm tra, giám sát dạy và học; tăng tiết dự giờ, động viên, khích lệ giáo viên hăng say, tâm huyết với nghề. Quy định học sinh cất hết thiết bị điện tử vào tủ cho đến hết giờ học để tập trung vào bài.

Qua các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, nhà trường công bố kết quả, khen thưởng học sinh giỏi và khen cả những em tiến bộ hơn so với chính mình trước đó, tạo phong trào thi đua học tập. Những em yếu, kém được giáo viên dạy kèm, bổ túc miễn phí. Sau một năm học, tỉ lệ học sinh có điểm trúng tuyển ĐH cao vượt bậc.

Dẫu vậy, ông Dũng bày tỏ lo lắng khi chất lượng vẫn thua kém nhiều trường khác. Ông kiến nghị:“Sĩ số hiện nay đang 45 em/lớp, nếu giảm dần đến con số 35 sẽ rất lí tưởng để giáo viên có điều kiện quan tâm từng học sinh. Hà Nội nên có chính sách tuyên dương, khen thưởng học sinh có điểm cao trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT để khích lệ”.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, Trường THPT Xuân Giang, huyện Sóc Sơn có tổng điểm thi xếp thứ 44 nhưng riêng môn Ngoại ngữ xếp thứ 136. Lí giải nguyên nhân, thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng có phần do trình độ, năng lực giáo viên chưa tốt, học sinh chưa có điều kiện học thêm và các em chỉ coi môn Ngoại ngữ là môn điều kiện để tốt nghiệp nên không nỗ lực hết sức.

“Thời gian này, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, nhà trường yêu cầu giáo viên bám sát đề minh họa để xây dựng kế hoạch ôn tập. Phân loại học sinh, trong đó những em yếu kém, bước đầu giao cho giáo viên bồi dưỡng kiến thức ở mức cơ bản với mục tiêu nhích từng điểm; học sinh giỏi dạy chương trình nâng cao để đạt điểm cao”, thầy Thành nói.

Cô Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, chia sẻ, giải pháp của trường là hằng năm đều có các bài kiểm tra định kỳ tập trung, em nào điểm thấp đều được đưa vào nhóm lớp bồi dưỡng, phụ đạo. Học sinh rơi vào nhóm này ban đầu đông nhưng các em đều nỗ lực để rút khỏi lớp đó. Cách để khích lệ các em cố gắng là đạt điểm cao sẽ được nhà trường khen thưởng kịp thời.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-tim-cach-cai-thien-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-post1625630.tpo