Hà Nội: Tiểu học dồn lớp, chia ca vì quá tải

PNVN Học dồn lớp, chia ca… do thiếu lớp học là tình trạng của nhiều trường học tại Hà Nội vào năm học này. Xót con, nhưng phụ huynh đành bấm bụng theo kế hoạch của nhà trường mà không dám kêu ai.

Dồn lớp trên lấy phòng cho lớp dưới học

Nhiều ngày nay, chị Phương Anh có hai con gái học ở trường Tiểu học Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi nhiều phụ huynh truyền tai nhau từ năm học 2017-2018, học sinh sẽ học tăng ca vào thứ bảy do thiếu lớp học.

Chị có hai bé năm nay lên lớp 2 và lớp 4. Sĩ số lớp của con gái út năm ngoái là 52 học sinh - quá tải đáng kể so với quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra (sĩ số chuẩn của tiểu học là 35 - 40 em/lớp).

Phòng sinh hoạt cộng đồng của chung cư ở Linh Đàm. Khu đô thị Linh Đà là một trong những nơi có nhiều trường học quá tải hiện nay. Ảnh: H.H

“Năm nào tôi cũng như ngồi trên lửa với lịch học của con do sĩ số lớp con lúc nào cũng quá tải, học hành rất vất vả. Năm nay, nghe thông tin là các con sẽ phải học cả thứ bảy, giãn các ca học trong tuần để nhường phòng học cho các lớp khác. Lịch học thế thì con nghỉ vào lúc nào, chưa kể sinh hoạt gia đình sẽ bị xáo trộn” - chị Phương Anh bức xúc.

Trao đổi với PNVN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiên Dương khẳng định, tình trạng quá tải là có thật và là tình trạng chung của nhiều trường học ở huyện Đông Anh. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện học sinh phải học vào thứ bảy.

“Hiện trường đang lên kế hoạch dồn lớp các khối trên để nhường phòng học cho các em khối lớp 1 mới vào. Kế hoạch cụ thể dồn bao nhiêu lớp thì chúng tôi vẫn đang phân bổ. Phụ huynh yên tâm là trường sẽ không tổ chức học vào thứ bảy, tránh xáo trộn cho cả gia đình và nhà trường” - bà Oanh cho biết.

Nữ hiệu trưởng cũng khẳng định là việc dồn lớp sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường. Số lượng học sinh tăng thêm sau khi dồn lớp là từ 6 đến 8 em/lớp.

Phụ huynh… chạy mất dép

Tình trạng quá tải lớp học do phòng học không đáp ứng được số lượng học sinh đang trở nên phổ biến, đặc biệt ở những khu vực có nhiều chung cư như Linh Đàm, Vạn Phúc (Hà Đông)...

Chị Nguyễn Ngân có con trai sang năm lên lớp 1, nhưng trước tình trạng quá tải của trường Tiểu học Hoàng Liệt, chị đang tính phương án cho con học trái tuyến.

“Một lớp chen nhau 50 - 60 cháu, thở còn khó nữa nói gì là học! Tôi thà chấp nhận đưa con đi học xa một chút, thậm chí mất tiền để “chạy” trái tuyến, còn hơn là để con phải khổ!” - chị nói.

Phường Hoàng Liệt là một trong những điểm “nóng” của tình trạng quá tải lớp học ở cả cấp học mẫu giáo và mầm non. Từng xảy ra câu chuyện phụ huynh có con học mẫu giáo phải bốc thăm theo kiểu “hên xui” để kiếm một cơ hội cho con vào học tại đây.

Với khối tiểu học, năm học vừa qua, rất nhiều phụ huynh kêu trời khi trường phải chia các ca học khác nhau, phân lịch học vào cả ngày thứ bảy.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 35-40 học sinh/lớp. Tuy nhiên, thực tế là ở các quận nội thành, nhất là các khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, có những lớp học phải “gánh” tới 67 học sinh.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm nay, thành phố đã hoàn thành 16 dự án khu đô thị, trong đó có nhiều KĐT mới, trung bình mỗi khu có hàng chục nghìn người dân sinh sống, chưa kể hơn 800.000m2 nhà ở xã hội, 285.000 m2 nhà ở dành cho người có thu nhập thấp cũng khiến cho dân số Hà Nội tăng nhanh.

Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, phải cảm thán, tình trạng sẽ còn kéo dài chỉ khi nào thành phố “siết” trách nhiệm của nhà đầu tư đến cùng. “Hà Nội cần đầu tư thêm quỹ đất cho xây dựng trường học và gắn trách nhiệm của các đơn vị xây dựng khu đô thị trong việc tài trợ, xây dựng trường học phục vụ dân cư. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng với việc tuân thủ các quy định pháp luật” - ông nhấn mạnh.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/ha-noi-tieu-hoc-don-lop-chia-ca-vi-qua-tai-post31229.html