Hà Nội: Sông Hồng 'nuốt' nhà, trẻ già bất an

Một ngôi nhà bị sụt trôi, hàng chục ngôi nhà khác có thể sạt lở xuống lòng sông Hồng bất cứ lúc nào… đang là vấn đề đáng lo ngại tại ngõ 975 (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng). Người dân quanh đây bất an vì các cấp chính quyền vẫn chưa có phương án cụ thể di dời các hộ nguy hiểm ra khỏi khu vực.

Bà Phạm Thị Bình chỉ cho phóng viên dấu tích ngôi nhà của mình bị sụt trôi. Ảnh: Ngọc Thi

Nửa đêm, nhà trôi lềnh bềnh

Trong cơn bão số 3 vừa qua, mực nước sông Hồng dâng cao, xoáy sâu vào khu dân cư khiến nhà bà Phạm Thị Bình, đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, bị cuốn trôi. Sự cố này khiến hàng chục hộ dân lân cận nơm nớp lo lắng cho tính mạng, tài sản của mình.

Sự việc xảy ra đã gần 1 tháng nhưng đến nay bà Bình vẫn chưa hết bàng hoàng. Trò chuyện với PV Báo GĐ&XH, bà Bình cho biết: “Cả gia đình đã sống ở đây rất lâu, trong đầu tôi chưa bao giờ có suy nghĩ ngôi nhà mình sẽ bị cuốn trôi. Diện tích nhà tôi khoảng 30m2, có khu vườn để trồng cây cảnh, nuôi gà rộng tầm 60m2 nữa. Thế mà giờ đây chúng tôi mất trắng. Với gia đình tôi đây là một cú sốc quá lớn”.

Hàng năm, cán bộ phường đến tận nơi các hộ ven bờ sông vận động di dời tránh bão, qua mùa mưa thì quay trở về. Trước khi sự cố xảy ra, gia đình bà Bình đã phải thuê trọ một nhà bên cạnh ở tạm với giá 3 triệu đồng. Bây giờ 7 thành viên trong gia đình di chuyển sang nhà trọ để ở.

Theo lời kể của bà Bình, lúc đó là 12h đêm, cả nhà đang ngủ thì hàng xóm gõ cửa báo tin xấu. Toàn bộ gia đình bên cạnh cũng dậy khi biết nhà bà xảy ra sự cố. Tỉnh dậy bà chạy ra phía nhà, trước mắt là cảnh mái nhà nổi lềnh bềnh trên mặt nước, đồ đạc mọi thứ bị cuốn trôi.

Có mặt tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, tại vị trí nhà bà Bình trước đây hiện chỉ còn những viên gạch nền lộn xộn, mọi thứ vẫn chưa được thu dọn. Mới đây, khu vực nhà bà Bình bị sụt đã được cán bộ phường treo biển cảnh báo nguy hiểm, làm cửa khóa lại, chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào.

Ước tính chiều dài đoạn sạt ven sông Hồng đoạn chạy qua phường Bạch Đằng dài khoảng 15m, ăn sâu vào bờ khoảng 3m. Đường dân sinh dọc khu vực sạt lở cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Điều đáng nói, ngôi nhà hiện tại cả nhà bà Phạm Thị Bình đang thuê trọ tường có biểu hiện bị nứt, nhà nghiêng về phía sông Hồng. Mặc dù không sát sông nhưng gia đình bà vẫn cảm thấy bất an.

“Nhà bị sụt hẳn xuống lòng sông, khiến gia đình lâm vào cảnh không nhà, không đất, chúng tôi thực sự không biết làm sao trong thời gian tới. Rất mong chính quyền sớm hỗ trợ để gia đình tôi và các hộ dân trong ngõ ổn định cuộc sống, không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ như bây giờ”, bà Phạm Thị Bình cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Thụy nằm ngay sát ngôi nhà bà Bình, đã di cư đến nơi ở khác để tránh tình trạng rủi ro có thể xảy ra. Ngôi nhà của anh Thụy tuy chưa thấy có dấu hiệu nứt, nghiêng nhưng ngay sau đêm nhà bà Bình bị cuốn trôi gia đình anh đã chuyển đến nhà người thân ở tạm.

Mong được xây kè kiên cố

Nhiều hộ dân sống gần bờ sông đang bất an, sợ sụt lở.

Cũng theo phản ánh của người dân, trước đây, vào mùa mưa bão, nước sông lên cao đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến khu tập thể 108 phường Bạch Đằng. Trước tình hình đó, năm 2012, TP Hà Nội đã cho triển khai dự án kè hộ chân đoạn từ cầu Chương Dương đến miếu thờ Hai Bà Trưng. Đoạn còn lại chưa được triển khai do thiếu kinh phí.

Trong vài năm trở lại đây, sau những đợt mưa lớn kéo dài, khu vực ven sông Hồng đoạn qua địa phận phường Bạch Đằng bị sạt lở. Mặc dù, không thống kê được con số chính xác nhưng diện tích đất bị nuốt trôi không hề nhỏ.

Nguyên nhân ban đầu được người dân xác định là do việc lái dòng của ngành giao thông để hướng luồng lạch chính từ phía bờ tả sang Cảng Hà Nội khiến dòng chảy thúc vào bờ chưa được gia cố phía bờ hữu. Bên cạnh đó, bờ sông Hồng khu vực này dốc đứng nên dễ gây sạt lở khi có mưa lớn cộng với nạn khai thác cát dẫn đến dòng chảy thay đổi.

Được biết, để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, bước vào mùa mưa bão, phường đã tổ chức vận động và yêu cầu nhân dân ký cam kết tự di dời đến nơi an toàn khi xảy ra mưa bão hoặc khi nước sông Hồng lên cao, nhưng vì khó khăn về quỹ đất nên đến nay phường chưa thể bố trí các hộ dân này vào khu tái định cư. Nay sạt lở nghiêm trọng nhưng đến nay các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể trong việc di dời hộ dân đến nơi ở an toàn.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Hoàng Văn Sửu, Tổ trưởng tổ dân phố 14A, phường Bạch Đằng cho biết: “Cả tổ có hơn 50 hộ sống gần bờ sông, trong đó có hai hộ thuộc diện nguy hiểm nhất là hộ bà Bình và hộ anh Thụy. Trường hợp nhà bà Bình thì chính quyền địa phương đã nắm được, hiện đang viết đơn lên cấp trên để xin giúp đỡ”.

Ông Sửu cho biết thêm, tất cả các hộ dân sinh sống ở khu vực gần bờ sông ở phường đều mong muốn cấp trên triển khai dự án xử lý tổng thể kè. Mục đích chống sạt lở bờ, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão, đảm bảo cuộc sống của cư dân ven sông.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế tình trạng sạt lở, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng tuyên truyền vận động nhân dân và kiên quyết di dời khẩn cấp các hộ nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sạt lở và cảnh báo cho nhân dân chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bà Nguyễn Bích Phượng, người dân khu vực cho hay: “Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều khó khăn. Nếu có kinh tế, chúng tôi đã chuyển nhà rồi. Chúng tôi mong các cơ quan ban, ngành xem xét xây kè cho kiên cố, để người dân an tâm”.

Ngọc Thi

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-song-hong-nuot-nha-tre-gia-bat-an-20160921074953376.htm