Hà Nội sẽ sửa đổi một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cổ xuống cấp

Ngày 22/9, tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 13) HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung xem xét, sửa đổi một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cổ xuống cấp.

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua các nội dung quan trọng như: Sửa đổi khoản 2, Điều 10 của Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND TP về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cổ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua các nội dung quan trọng như: Sửa đổi khoản 2, Điều 10 của Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND TP về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cổ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội.

Về việc sửa đổi khoản 2, Điều 10 của Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, trong tờ trình của UBND TP Hà Nội gửi HĐND TP Hà Nội nêu rõ, từ những năm 1954-1960, trên địa bàn TP đã hình thành nên các công trình nhà tập thể (An Dương, Phúc XáTương Mai...) khu nhà tập thể (khu chung cư) Trương Định, Thành Công, Khương Thượng, Giảng Võ... với đa dạng hình thức quy hoạch, thiết kế với khoảng 1.579 nhà chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lậpđem lẻ). Tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Về quỹ nhà cổ biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954: Trên địa bàn TP, nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 mang đặc trưng riêng, với nhiều hình thái có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa; cùng với các giá trị khác, đã tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô Hà Nội.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP.

Cùng với đó, Kỳ họp sẽ xem xét nội dung điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp TP (bao gồm nội dung bố trí kinh phí xây dựng công trình hỗ trợ một số tỉnh, TP); phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công; một số nội dung hỗ trợ đặc thù đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do vụ cháy tại quận Thanh Xuân ngày 12/9/2023.

Điều chỉnh, bổ sung Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn TP; điều chỉnh, bổ sung các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ năm 2023 trên địa bàn; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường 35 đoạn giữa tuyến (từ Km 4+469,12 đến Km 12+733,35) huyện Sóc Sơn. Dự án kho 190/Cục Xăng dầu, hạng mục: Vành đai an toàn PCCC Kho xăng dầu K95/K190/CXD tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội cũng sẽ xem xét, thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.

Hiện, các Ban HĐND TP đang tiến hành khảo sát thực địa, tổ chức thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ và phân công của Thường trực HĐND TP; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP chuẩn bị các nội dung liên quan để kỳ họp được diễn ra chu đáo, thành công.

Liên quan đến vụ cháy này, trước đó Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng vụ cháy. Trong đó, chính sách hỗ trợ theo hướng TP hỗ trợ 50 triệu đồng/người thiệt mạng và 30 triệu đồng/người bị thương. Hỗ trợ tiền thuê nhà mức 6 triệu đồng/hộ và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với người thuê nhà trong thời gian 6 tháng.

Ngoài ra, Hà Nội còn hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ cháy phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ cháy, mức 5 triệu đồng/trẻ và hỗ trợ khác nếu gia đình có nhu cầu (hỗ trợ phí hỏa táng). Hỗ trợ tiền chăm sóc các cháu mồ côi là 100 triệu đồng/cháu. Đồng thời, xem xét khen thưởng phù hợp cho tập thể, cá nhân trong việc chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong vụ cháy trên.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//ha-no-i-se-sua-doi-mot-so-bien-phap-cai-tao-xay-dung-lai-cac-khu-chung-cu-cu-nha-co-xuong-cap-353044.html