Hà Nội: Sản phẩm OCOP tạo bước chuyển cho khu vực nông thôn

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề và nông sản, đặc sản nổi tiếng. Đây là tiềm năng và nền tảng để phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Theo Ban chỉ đạo chương trình mỗi xã một sản phẩm của Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 1.581 trang trại; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp; có trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm OCOP đối với thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, chương trình OCOP của Hà Nội đề ra mục tiêu: Năm 2020, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Tính đến nay, Hà Nội đã công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại các hội chợ hàng nông sản.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại các hội chợ hàng nông sản.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội nêu rõ, trong năm 2020, thành phố đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá chương trình OCOP nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình và khẳng định vị trí riêng của các sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế. Cũng trong hai năm (2019 - 2020), Hà Nội đã triển khai tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn cho đối tượng là cán bộ thực hiện chương trình OCOP, các nhà quản lý tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại… Tổ chức nhiều đoàn công tác cấp đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP tại các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Sóc Trăng và nước bạn Thái Lan để trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP…

Cùng với việc phát triển các sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng tập trung mở rộng hệ thống các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội. Riêng trong năm 2020, Hà Nội đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động được 14 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên đã giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.

Sản phẩm OCOP góp phần tăng trưởng kinh tế

Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Chủ thể của chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình cũng khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.

Thông qua chương trình OCOP, kinh tế nông thôn sẽ được phát triển theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế ở làng, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, chương trình OCOP sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

Thành phố Hà Nội trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 cho các chủ thể.

Thành phố Hà Nội trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 cho các chủ thể.

Đối với Hà Nội, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp, các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP đã được khẳng định vị trí riêng. Việc tập trung xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu và phân phối, mở rộng thị trường. Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP các quận, huyện, thị xã. Nhiều hợp đồng giữa các chủ thể với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn được ký kết và đặc biệt là góp phần tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản hiện đã và đang được tổ chức thực hiện.

Trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngành Nông nghiệp Hà Nội vẫn tăng trưởng 4,2% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nông dân. Riêng với chương trình OCOP, Hà Nội đặt ra đến hết năm 2020 có 1.000 sản phẩm OCOP, đây là mục tiêu rất lớn nhưng đến thời điểm hiện nay, cơ bản Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu “Đến năm 2025 thành phố Hà Nội có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp thành phố...”. Mục tiêu lớn này sẽ tạo bước chuyển căn bản cho khu vực nông thôn và nâng cao đời sống người dân, song cũng đòi hỏi nỗ lực và những giải pháp căn cơ trong nhiệm kỳ mới.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội, bước sang giai đoạn 2021-2025, Hà Nội vẫn xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình OCOP, Hà Nội đề xuất kiến nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đi cùng với việc đổi mới phương thức quản lý, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất khoảng 400 sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm chủ lực của các địa phương, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng, trên sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; lồng ghép, tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp Thành phố; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhà phân phối, mở rộng thị trường. Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã./.

Bài, ảnh: H.N

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/ha-noi-san-pham-ocop-tao-buoc-chuyen-cho-khu-vuc-nong-thon-571766.html