Hà Nội: Sách photo 'mua dễ như… rau'

Việc một nữ sinh viên Trường đại học Luật TPHCM bị cảnh cáo vì mang sách photo vào trường vẫn gây xôn xao dư luận. Dù vậy, khảo sát của PV tại Hà Nội, nhiều sinh viên cho biết vẫn sẽ… chọn sách photo.

Các loại sách photo được bày bán trước một cửa hàng photocopy cạnh Trường đại học Thương mại. Ảnh: Đình Việt

Sách photo nhan nhản ở các cổng trường

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại Hà Nội, việc mua sách photo tại các của hàng photocopy xung quanh các trường Đại học là rất dễ dàng. Ở các cửa hàng này, sách photo được bán công khai và có giá rất rẻ.

Trong vai sinh viên trường Đại học Thương mại đang có nhu cầu mua sách Toán Cao cấp cho lớp, chúng tôi tìm đến một cửa hàng photocopy cạnh trường. Đang ngó nghiêng thì chủ quán nhanh nhảu: “Em mua sách gì, cửa hàng tôi có tất, mua số lượng lớn càng được hoan nghênh vì luôn có sẵn”.

Như để khẳng định lời nói của mình, chủ quán dẫn chúng tôi ra quầy để sách in sẵn phía trước cửa hàng và giá sách phía trong nhà. Đúng như lời người này nói, rất nhiều loại sách phục vụ cho chương trình học của Trường đại học Thương mại được cửa hàng photo sẵn với số lượng rất lớn. Cầm thử một cuốn sách lên xem thì nó được làm rất sơ sài, giấy có chất lượng kém, mực in khá mờ và dễ thôi ra tay.

Khi nói ý định muốn mua sách Toán Cao cấp photo với số lượng lớn cho lớp, chúng tôi được chủ quán niềm nở giới thiệu rằng, sách đó ở cửa hàng đang sẵn, chỉ cần đợi khoảng 5 phút là sắp đủ ngay. Chủ quán cho biết, nếu mua theo cuốn, thì sách này được bán với giá 15.000 đồng/cuốn, tức là rẻ hơn nửa so với giá gốc, chưa kể nếu mua nhiều còn được giảm giá. Ngoài ra, người này cũng cho biết, nếu giới thiệu được nhiều lớp khác đến mua sách ở cửa hàng thì chúng tôi sẽ được trích phần trăm.

Trong câu chuyện, chúng tôi có hỏi chủ quán rằng, cửa hàng của họ in sách của rất nhiều tác giả khác nhau mà không sợ bị kiện vi phạm bản quyền? Chủ quán cười lớn: “Mấy chục năm gia đình tôi sống bằng nghề này có sao đâu. Đây là nghề kiếm ăn phổ biến quanh các trường học rồi”.

Tương tự với cách trên, PV cũng có thể dễ dàng mua được các loại sách photo ở nhiều cửa hàng photocopy cạnh các trường ĐH Sư phạm, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… Thậm chí, còn dễ dàng mua được sách photo tại Trường đại học Luật Hà Nội. Theo tìm hiểu, sinh viên học ở trường này vẫn vô tư mua sách photo vì trường không khắt khe như trường ĐH Luật TPHCM.

Chọn sách photo vì nhanh, tiện và rẻ

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, tại Hà Nội hầu như cửa hàng photocopy nào cũng có các loại sách photo.

Thực tế tìm hiểu cũng cho thấy, đa số các bạn sinh viên tại Hà Nội vẫn chọn sách photo để dùng. Lý do được các bạn đưa ra là giá rẻ, tiện lợi và cũng là “truyền thống” của sinh viên từ lâu...

Nói về việc này, bạn N.T.Phương (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Em dùng cả sách photo và sách gốc. Tuy nhiên, chủ yếu là dùng sách photo”. Theo chia sẻ của Phương thì chuyên ngành mà em đang theo học tìm sách khá khó, các hiệu sách xung quanh gần như bán rất ít, trong khi nhu cầu sử dụng lại gấp, vì vậy phải đi photo sách để dùng cho kịp buổi học hôm sau. “Trường em chưa có quy định buộc sinh viên phải dùng sách gốc nhưng cũng có một số thầy cô trong khoa khuyên dùng. Nếu muốn mua sách gốc đều phải tự đi tìm vì trên khoa không bán, kể cả giáo trình của các thầy cô viết. Vì vậy, việc tìm sách nhiều khi mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, các thầy cô cũng không quá khắt khe trong vấn đề dùng sách gốc hay sách photo nên gần như sinh viên cũng không bị áp lực trong vấn đề này”, Phương chia sẻ.

Bên cạnh lý do “nhanh và tiện”, yếu tố kinh tế cũng là lí do mà Phương quyết định mua sách photo. “Trung bình mỗi học kì, em phải mua khoảng 10 cuốn giáo trình, chưa kể sách chuyên khảo, giá trên dưới 100.000 đồng/cuốn, mất tới cả triệu đồng. Trong khi mua sách photo tất cả chỉ khoảng 300.000 đồng. Sách photo đọc không thích nhưng vẫn phải chọn vì hàng tháng bố mẹ gửi cho có 1,5 triệu đồng, phải thật căn cơ mới đủ sống, ngay cả chuyện mua sách học cũng phải tính kỹ”.

Thậm chí, có sinh viên còn xin lại giáo trình photo của anh chị khóa trên cho đỡ tốn kém vì hầu như giáo trình chỉ học một lần rồi thôi. Em N.Đ.P (Sinh viên Đại học Luật Hà Nội) cũng cho rằng, vì trường mình không có quy định cụ thể về việc sinh viên bắt buộc phải dùng sách gốc nên em và nhiều bạn khác vẫn dùng sách photo. Em N.Đ.P cũng cho biết thêm, mỗi sinh viên trường Luật đều phải đọc rất nhiều các loại sách như giáo trình của trường, sách luật, sách tham khảo luật, các văn bản luật mới... Tính ra, mỗi kì học khoảng 8 môn thì mỗi sinh viên ít nhất cũng phải mua trên 20 cuốn sách. Mua sách gốc rất đắt nên buộc phải tiết kiệm dùng sách photo. “Bản thân mỗi sinh viên như em đều hiểu việc đầu tư cho học hành là chính đáng nhưng nếu có thể tiết kiệm được thì nên tiết kiệm. Bởi, dùng sách photo như bọn em cũng không vi phạm quy định của nhà trường”, em N.Đ.P phân trần.

Mới đây, Trường đại học Luật TPHCM đã ra quyết định cảnh cáo với một nữ sinh viên năm 2 ngành Luật Dân sự vì mang giáo trình photo vào trường. Lí do được trường đưa là vì nữ SN này đã vi phạm Điều 8 nội quy trường về "sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với quy định của nhà trường và pháp luật". Trước đó, bảo vệ trường phát hiện nữ sinh viên này mang tài liệu photo của 8 giáo trình khác nhau, mỗi loại một bản vào trường. Làm việc với thanh tra, cô gái cho biết đã dùng các tài liệu này để học, giờ muốn cho sinh viên khóa dưới cùng quê. Sự việc này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

Đ.Việt – Đ.Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ha-noi-sach-photo-mua-de-nhu-rau-2017021721543912.htm