Hà Nội quyết liệt làm sạch môi trường

Xác định môi trường Thủ đô đang gặp những khó khăn từ yếu tố hạ tầng, Hà Nội đang quyết liệt triển khai những biện pháp nhằm giải quyết tận gốc vấn đề.

Xác định môi trường Thủ đô đang gặp những khó khăn từ yếu tố hạ tầng, Hà Nội đang quyết liệt triển khai những biện pháp nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Theo đó, lộ trình đến năm 2020 thành phố sẽ di dời hàng loạt cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và hàng trăm cơ sở sản xuất khỏi nội đô. Cùng với việc cải tạo lại mặt nước hàng loạt hồ, điển hình và cấp bách là Hồ Tây...

Buộc di dời và khuyến khích di dời

Đây là chủ trương lớn của Hà Nội được thể hiện trong báo cáo về tác động của Luật Thủ đô sau 3 năm thi hành tại phiên họp HĐND TP. Hà Nội. Theo đó, lộ trình đến năm 2020 thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật Thủ đô.

TP. Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, trụ sở cơ quan để phục vụ di dời như: tổng số cơ sở bệnh viện đã và đang thực hiện di dời 8 cơ sở, trong đó 2 cơ sở đã đưa vào sử dụng (Bệnh viện K cơ sở 2, Bệnh viện Nội tiết Trung ương); một số đã được phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng mới các bệnh viện (Bệnh viện Mắt Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm...).

Những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ bị buộc phải di dời khỏi trung tâm Thủ đô.

Đặc biệt là Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện theo đúng quy định, không xem xét giải quyết các trường hợp mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục, nghề nghiệp (chỉ chấp thuận một số dự án cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ, không tăng giường bệnh như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...).

UBND thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; tổ chức việc quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành. Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Hiện đã có 32 cơ cở sản xuất công nghiệp thực hiện lập dự án chuyển đổi chức năng sử dụng đất.

Lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Giai đoạn 2 sẽ di đời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch. Giai đoạn 3 sẽ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại.

Đến nay, thành phố đã bước đầu xây dựng cơ chế đối với từng loại đối tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời. Tính đến nay, Hà Nội đã lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, huyện, thị trấn (5 đô thị vệ tinh, 14 huyện và 14 thị trấn thuộc huyện, thị trấn sinh thái); Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội trên cơ sở định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (38 đồ án);...

Việc áp dụng quy hoạch chung về quản lý dân cư đã phần nào giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội. Tính đến ngày 1/7/2016, Hà Nội đăng ký hộ khẩu khoảng 1.877.599 hộ với 7.385.545 nhân khẩu.

Trả lại sự trong sạch cho Hồ Tây

Chiều 5/12, tại phiên họp HĐND TP. Hà Nội thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2016 và nhiệm vụ 2017 của TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm ở Hồ Tây để nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn...

Trước những băn khoăn về việc thành phố sẽ bố trí ngân sách cải tạo môi trường thế nào sau khi xuất hiện tình trạng cá chết ở một số hồ nội thành thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự cố liên quan đến việc cá chết ở Hồ Tây, UBND TP. Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại thực trạng ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND thành phố, từ khảo sát của 3 công ty độc lập, để làm sạch hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn. Ở Hồ Tây, có những khu vực hiện nay nước chỉ còn sâu 0,5cm trong khi bùn sâu 1,7m... Chủ tịch UBND thành phố phân tích, nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng. Thực tế, 4 năm vừa qua, Ban Quản lý Hồ Tây đã tiêu 128 tỷ đồng nhưng chưa thấy hiệu quả. Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai, chúng ta phải có kế hoạch tổng thể. Thành phố đã giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội sẽ triển khai việc thu gom 8 cửa xả nước thải ở Hồ Tây vào nhà máy của Công ty Phú Điền để xử lý và sẽ xây dựng thêm điểm phun nước từ 180 đến 200m để tạo điểm nhấn...

Mong rằng những giải pháp quyết liệt để giải quyết những vấn nạn môi trường của Thủ đô sẽ sớm được triển khai nhanh và minh bạch, sớm góp phần giải tỏa bầu không khí luôn chìm trong ngột ngạt vì sự quá tải và ô nhiễm.

Trần Lâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ha-noi-quyet-liet-lam-sach-moi-truong-n125655.html