Hà Nội nỗ lực kiểm soát an toàn thực phẩm

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2024, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành quy định về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, nhiều cơ sở vẫn vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đòi hỏi cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hương Giang

Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hương Giang

Vẫn còn tồn tại, hạn chế

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm 7 quận, huyện, thị xã kiểm tra thực tế tại 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã chuyển Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm 4 huyện (Ba Vì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất) tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ sở khắc phục một số tồn tại đối với 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chuyển Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của 2 huyện (Ba Vì, Chương Mỹ) tiếp nhận kết quả kiểm tra, tiếp tục làm việc với cơ sở hoàn thiện hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định đối với 2 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 29 triệu đồng. Cụ thể, Công ty cổ phần Sản xuất sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) bị xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng vì lỗi khu vực kho bảo quản phát hiện có côn trùng gây hại xâm nhập; Công ty cổ phần Nông nghiệp Gigaherbs Việt Nam (huyện Chương Mỹ) bị xử phạt 17 triệu đồng với lỗi vi phạm không phân loại, bảo quản riêng biệt nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh và bán thành phẩm bị hỏng, mốc.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, khó thực hiện đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ hoặc hoạt động kém hiệu quả, không thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong khi đó, hàng hóa thực phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã, nhiều hàng hóa thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã; đa số cán bộ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, dẫn đến hạn chế trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là hoạt động kiểm tra. Việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm, gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tự công bố sản phẩm; đồng thời, khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển đề nghị các sở, ngành thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm, hỗ trợ các địa phương trong công tác chuyên môn; phổ biến, tuyên truyền về các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm của các địa phương khác để cấp huyện, cấp xã học tập, triển khai, bảo đảm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với đó, đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các chuỗi cung cấp nông sản an toàn trên địa bàn huyện; tiếp tục hỗ trợ xây dựng các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy các sản phẩm nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sớm phê duyệt điều chỉnh phương án đấu giá và ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai).

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, các sở, ngành thành phố cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc cả 3 lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, công thương; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, test xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng thực phẩm phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh; duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, tích cực lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để cảnh báo nguy cơ; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đề nghị Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn dưới nhiều hình thức. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-no-luc-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-666677.html