Hà Nội nỗ lực chặn đà giảm tốc của xuất khẩu

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm xuất khẩu của Hà Nội là do tổng cầu thế giới giảm mạnh bởi người tiêu dùng ở các thị trường lớn cắt giảm chi tiêu do lạm phát. Trước tình hình trên, TP.Hà Nội đang có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường, ứng phó với các thách thức, quan trọng hơn đó là nắm bắt thời cơ, vì xác định 'trong nguy có cơ'.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, những tháng đầu năm, hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội giảm sút. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7%; nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, giảm 16,3%.

Điểm sáng ở khu vực kinh tế trong nước

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính đạt 1.435 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội suy giảm kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ USD, giảm 7,6%.

Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.075 triệu USD, giảm 0,6%; hàng dệt, may đạt 1.009 triệu USD, giảm 19%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 367 triệu USD, giảm 16,5%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 226 triệu USD, giảm 9,9%; hàng hóa khác đạt 2.103 triệu USD, giảm 2,5%.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 964 triệu USD, tăng 2,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 824 triệu USD, tăng 9,8%; xăng dầu đạt 662 triệu USD, tăng 2%.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, nếu những tháng tiếp theo, thị trường xuất khẩu được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng tăng lên, xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 là: 26,1% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2023 sẽ tốt lên so với quý II/2023; 49% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 24,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, 77,1% số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2023 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 70% và 67,6%.

Đa dạng phương thức xuất khẩu, mặt hàng thế mạnh phát huy lợi thế

Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Hà Nội đã đổi mới sáng tạo trong phương thức kinh doanh để ứng phó với những thay đổi của thị trường. Bà Trần Thị Hoài Tú, Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử, nên sản phẩm xuất khẩu Thạch Bàn qua sàn thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng hóa.

“Xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều DN tăng cường triển khai, bởi hình thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống”, bà Tú chia sẻ.

Hà Nội sẽ tập trung vào xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản có lợi thế.

Với các mặt hàng nông sản, ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu.

“Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu”, ông Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hà Nội rất có tiềm năng trong xuất khẩu rau, củ, quả, nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cũng như TP Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau quả an toàn, hữu cơ, phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CTPP, các hàng rào kỹ thuật ở thị trường nước ngoài… Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước...

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 6%

Nhận định năm 2023 sẽ tiếp tục là năm rất khó khăn đối với kinh tế cả nước nói chung và ngành công thương Hà Nội nói riêng, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiên định và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả mục tiêu phát triển ngành công thương trong năm 2023 đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, nhằm phát huy kết quả đạt được của năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 7,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 9-10%.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, ngành công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có những dự án công nghiệp quy mô lớn, qua đó nhằm gia tăng năng lực sản xuất.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm tranh thủ các cơ hội khi thị trường đang mở cửa trở lại, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Hà Nội đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ; hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới được cập nhật thường xuyên, kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội đang được đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp tìm các đối tác xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, Thành phố cũng khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống và tận dụng các FTA đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc tổ chức 2 lớp tập huấn phổ biến cập nhật quy định về xuất xứ hàng hóa sang các thị trường EU, ASEAN, Hàn Quốc.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, bên cạnh các hoạt động này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục được hỗ trợ, cung cấp thông tin để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức.

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4 - 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1 - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3 - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/ha-noi-no-luc-chan-da-giam-toc-cua-xuat-khau-1093741.html