Hà Nội: Nhiều cơ quan chủ động ứng phó bão Talim

Theo cơ quan khí tượng, do ảnh hưởng của bão nên từ đêm 17 đến ngày 20/7, tại thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 02/CĐ-BCH chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương ứng phó với bão Talim (cơn bão số 1 năm 2023).

Lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm.

Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Đề phòng nguy cơ xuất hiện giông, lốc kèm gió giật mạnh trong vùng ảnh hưởng hoàn lưu bão, cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Còn tại thành phố Hà Nội, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, từ đêm nay đến ngày 20/7 có mưa, mưa vừa, sau có mưa to đến rất to và dông; lượng mưa tại khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố 180-280mm, có nơi cao hơn 300mm, phía Tây và phía Nam 150 -250mm, có nơi cao hơn 250mm. Các đơn vị, địa phương của Hà Nội cần đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng các khu đô thị, vùng trũng thấp...

Dự báo Hà Nội mưa to đến rất to do ảnh hưởng của báo Talim (Ảnh minh họa).

Dự báo Hà Nội mưa to đến rất to do ảnh hưởng của báo Talim (Ảnh minh họa).

Chủ động ứng phó

Trước dự báo trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã ký ban hành Công điện số 02/CĐ/BCH đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, thiên tai, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.

Chiều 17/7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lưu ý, trong thời gian thành phố bị ảnh hưởng bởi mưa bão, người tham gia giao thông cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn.

Đồng thời, người dân nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý tình huống biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt. Do đó, người dân nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.

Một trong những điều cần tuyệt đối tránh khi đi đường ngày mưa bão là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn sẽ gây bị động không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp.

Người dân nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều.

Người dân nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, trong những ngày mưa bão, lực lượng ứng trực trên đường ngoài nhiệm vụ điều tiết giao thông cũng sẽ chủ động giúp đỡ người dân khi cần thiết.

Trung tâm Điều khiển giao thông cũng chủ động giám sát tình hình qua hệ thống camera để kịp thời thông báo xử lý các tuyến đường xảy ra ngập úng, có hiện tượng cây đổ, gây khó khăn thi tham gia giao thông, để người dân chủ động phòng tránh. Trong những ngày mưa bão, người dân nên chủ động hạn chế lưu thông trên đường, không dừng đỗ, trú mưa dưới gốc cây, gần khu vực có điện…

Còn tại quận Ba Đình, để đảm bảo an toàn cho người dân, hộ gia đình, UBND quận Ba Đình yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND 14 phường khẩn trương triển khai công tác ứng trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 1. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các phường tổ chức ứng trực nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai quận (qua Phòng Quản lý đô thị) để tổng hợp.

Người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão Talim đổ bộ.

Người dân hạn chế ra đường trong thời gian bão Talim đổ bộ.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai đã triển khai ngay công tác phòng, chống thiên tai theo phương án đã xây dựng, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống nhà cửa có nguy cơ sập đổ, phòng chống úng ngập, xử lý cây xanh đổ gẫy, cột điện nghiêng đổ. Sẵn sàng phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm tại các khu tập thể và nhà ở đơn lẻ.

Bà Phạm Thị Diên (phường Phúc Xá) cho biết, mấy ngày nay gia đình thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh của phường. Mặt khác đã gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, di chuyển bồn hoa, cây cảnh,.. tại ban công; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn...

Bên cạnh công tác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quận Ba Đình cũng yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị bố trí trang thiết bị và nhân lực tại các vị trí xung yếu, các điểm úng ngập cục bộ, chủ động sẵn sàng xử lý, ứng cứu đảm bảo giao thông thông suốt, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn.

Cùng với đó, kiểm tra phương án đảm bảo an toàn, khắc phục sự cố về điện, có biện pháp giữ an toàn cho các tuyến đường dây, cột điện, các trạm biến áp. Tổ chức ứng trực, kịp thời yêu cầu đơn vị đã ký hợp đồng chặt hạ, giải tỏa cây gãy đổ trong khuôn viên cơ quan, trường học, ngõ ngách; trên các tuyến đường thuộc quận.

Ngoài ra, tổ chức ứng trực, phối hợp với các đơn vị đảm bảo tổ chức giải quyết, xử lý kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đôn đốc, kiểm tra hoạt động của Đội tuần tra canh gác đê.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-nhieu-co-quan-chu-dong-ung-pho-bao-talim-158363.html