Hà Nội loay hoay chuyện vỉa hè

Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, ra quân xử lý, xử phạt, song tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội vẫn tái diễn. Nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó có đề xuất cho thuê vỉa hè. Vậy giải pháp này có khả thi?

Cần hài hòa giữa việc đảm bảo trật tự đô thị, phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Ảnh: Quang Vinh.

Để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, các đơn vị thực hiện theo nguyên tắc triển khai phải kiên trì, bài bản và tổ chức thực hiện tuân thủ với 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15 - 28/2). Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1 - 30/3). Và giai đoạn 3 là giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 30/3 - 1/11).

Cảnh thường thấy trên nhiều hè phố Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thực tế từ một quận trung tâm

Có thể thấy rằng, mặc dù đang trong giai đoạn 3 (từ 30/3 - 1/11) của chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội, nhưng tình trạng vỉa hè, lòng đường vẫn bị “tái chiếm”. Vì sao lại như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Về sự “thất thủ” vỉa hè sau những lần “tái chiếm”, ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng việc cho thuê vỉa hè sẽ giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của người dân. Ông Tùng cho biết, sau đợt ra quân, tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường hè phố để kinh doanh buôn bán, phương tiện dừng đỗ trên hè dưới lòng đường sai quy định, bãi xe trái phép thu quá giá quy định ở quận Hoàn Kiếm cơ bản đã giảm. Tuy nhiên, vẫn còn vi phạm xảy ra khi không có lực lượng làm nhiệm vụ, nhất là ngoài giờ hành chính.

Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân và tổ chức chưa được tốt. Trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị của quận Hoàn Kiếm hình thành từ lâu nên có nhiều bất cập, không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Cụ thể là hè phố, lòng đường nhỏ hẹp, chiều rộng hè nhỏ hơn 3,5m chiếm gần 40% .

Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm thu hút lượng người đến quá lớn gây quá tải so với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quận. Do đó, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế của người dân và các tổ chức, nhất là trong lĩnh vực giao thông tĩnh. Từ đó, theo ông Tùng, nếu dừng ngay việc không cho phép sử dụng hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện thì sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn.

“Việc giải quyết trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình thực hiện giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị. Đồng thời phải tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hàng ngày, phải tính đến việc giải quyết công ăn việc làm đối với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè” - ông Tùng nói và cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và nước ngoài nghiên cứu, xây dựng giải pháp tổ chức quản lý hiệu quả vỉa hè nhằm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh và mỹ quan môi trường nhằm xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của UBND thành phố, cũng như giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận và của thành phố nói chung.

Hàng ăn bày bán tràn ra vỉa hè,

Vì sao không cho thuê vỉa hè?

Do chưa xử lý được việc lấn chiếm vỉa hè, nhiều ý kiến đề xuất nên cho thuê với những quy định cụ thể, để người dân chủ động, tự giác ứng xử phù hợp.

Về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tỏ ra thận trọng khi cho rằng việc khai thác vỉa hè không nên làm đồng loạt và cần có định hướng nhất định. Cần phân loại vỉa hè, dành ra những tuyến phố đủ điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Không nên cho thuê vỉa hè mà nên quản lý chặt chẽ việc dừng đỗ xe, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, buôn bán. Chỉ dành một ít vỉa hè, đủ ngăn nắp cho người dân kinh doanh buôn bán và có quản lý, giám sát.

Tương tự, một số người cho rằng đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại Hà Nội là một ý tưởng không tốt vì nó sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến giao thông công cộng, an ninh và mỹ quan đô thị. Trước tiên, việc cho thuê vỉa hè sẽ tăng cường sự đông đúc trên đường phố, gây ra sự cản trở cho các phương tiện di chuyển và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thuận tiện của người đi bộ và người lái xe, đặc biệt là trong những khu vực đông dân cư và tập trung kinh doanh. Việc cho thuê vỉa hè cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho lực lượng cảnh sát và làm giảm sự an toàn của khu vực, và sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị khi các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè thường sử dụng các vật dụng và thiết bị không phù hợp với môi trường đô thị.

Một số kiến không đồng tình cho thuê vỉa hè còn cho rằng, khi nhiều doanh nghiệp muốn thuê vỉa hè để kinh doanh có thể gây ra sự xung đột giữa doanh nghiệp và người đi bộ. Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh không phải là giải pháp tốt. Thay vào đó, chính quyền nên tìm ra các giải pháp khác để tạo cơ hội kinh doanh cho người dân mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đi đường.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội nhìn nhận: Vỉa hè là công sản, việc cho thuê vỉa hè thực chất là hợp thức hóa việc khai thác công sản, từ không gian, địa điểm tạo nên nguồn lợi không chính thức và khiến vỉa hè trở nên lộn xộn hơn. Giá cho thuê cũng đã là bất ổn. Ông Ánh cho rằng, luật không khuyến khích, thậm chí là nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, nhưng mọi người vẫn viện dẫn cần linh hoạt để tạo điều kiện sinh kế. Bản chất là làm cho quan hệ về tài sản công tư lẫn lộn. Và cũng có thể là mồi ngon của tham nhũng. “Lấy công sản cho thuê giá rẻ thì sẽ làm triệt tiêu tính cạnh tranh trong việc khai thác không gian đô thị và họ thu lợi một cách không công bằng” - ông Ánh nói.

Thí điểm cho thuê vỉa hè, tại sao không?

10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần “ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Ý định tốt nhưng rồi vỉa hè vẫn bị chiếm dụng. Thực tế cho thấy, 4 lần “ra quân” trước đều đã “thất thủ”. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận nguyên nhân rất thực tế là người dân đô thị cần nơi buôn bán, làm ăn. Rất nhiều người dân Hà Nội nhà ở mặt phố đã “sống được” nhờ vào vỉa hè. Con số đó phải lên đến hàng trăm nghìn hộ.

Vậy, khi vỉa hè không còn là sinh kế, những người đó sẽ làm gì? Đó là câu hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc và phải có giải pháp, nếu không, việc “giành lại vỉa hè” cũng vẫn sẽ chỉ nửa vời. Khi lực lượng chức năng kiểm tra xong, dời đi, thì lập tức vỉa hè lại bị “tái chiếm”, càng lộn xộn hơn.

Vì vậy, đề xuất cho thuê vỉa hè với sự giám sát chặt của chính quyền phường có lẽ đã đến lúc tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, Luật Giao thông không được phép biến vỉa hè thành nơi kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi cuộc sống người dân còn khó khăn, những nơi vỉa hè rộng có thể sử dụng một phần để kinh doanh. Quan trọng là phải dành tối thiểu 2m cho người đi bộ. Ông Thủy cũng cho rằng, giá cho thuê vỉa hè cũng cần nâng lên vì nếu giá đưa ra chỉ thấp bằng 1/10, thậm chí 1/20 giá thuê các cửa hàng, sẽ dẫn đến nhiều người muốn thuê vỉa hè hơn là thuê cửa hàng và rất dễ chiếm dụng do không có có giới định cụ thể. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về không gian kinh doanh vỉa hè và vỉa hè vẫn luôn bị chiếm dụng khi mà việc kiểm soát chỉ theo từng đợt “ra quân”.

Đầu tháng 2/2023, Sở Giao thông vận tải TPHCM tiến hành soạn dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố để trình UBND thành phố. Riêng về vỉa hè, 7 trường hợp sử dụng tạm thời phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng; điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; điểm tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình hộ gia đình; điểm trông giữ xe có thu phí.

Thực tế thì trên cơ sở đề xuất của các quận huyện, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí (160 tuyến đường), phục vụ kinh doanh dịch vụ buôn bán hàng hóa (112 tuyến) và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí (73 tuyến).

L. Khánh-C. Thúy-N. Hiệp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ha-noi-loay-hoay-chuyen-via-he-5715501.html