Hà Nội: Kỳ vọng điểm nhấn du lịch từ 10 cầu vượt sông Hồng

Theo Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu vượt sông Hồng nhằm kết nối giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Sắp làm thêm nhiều cầu vượt sông

Cầu Vĩnh Tuy 2 vừa khánh thành là một trong 10 cây cầu mới được xây dựng theo quy hoạch. Ảnh: Tạ Hải.

Cầu Vĩnh Tuy 2 vừa khánh thành là 1 trong 10 cây cầu mới được xây dựng theo quy hoạch. Các cây cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Hiện nay, Hà Nội đã có các cầu vượt sông được xây dựng đưa vào khai thác gồm: Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Thăng Long, Vĩnh Tuy, Nhật Tân.

Các cầu nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gồm có cầu Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà và Mễ Sở. Trong đó, cầu Thượng Cát và Vân Phúc đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư dự án năm 2022-2023. Các đơn vị liên quan đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và triển khai công tác thi tuyển kiến trúc.

Hồng Hà và Mễ Sở là hai cầu thuộc dự án giao thông trọng điểm tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, được TP ưu tiên triển khai trong năm tới. Tại cuộc họp cuối tháng 10/2022, lãnh đạo TP Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đã thống nhất mặt cắt ngang, phương án thiết kế, quy mô và phạm vi giải phóng mặt bằng hai cầu này.

Dự án cầu Mễ Sở tạo sự kết nối từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô thành phố. Đồng thời, tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận.

Cầu Hồng Hà có chiều dài khoảng 6km, tổng mức đầu tư ước khoảng 10.000 tỷ đồng. Sau khi cầu Hồng Hà được hoàn thành sẽ giảm tải mật độ phương tiện đi qua cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian kết nối, tăng cường việc giao thương của phía tây Hà Nội và các tỉnh tiếp giáp.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ nam phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ bắc dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm.

Thực tế đó đòi hỏi TP phải đẩy nhanh tiến độ xây cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ nam hỗ trợ bờ bắc sông Hồng, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.

"Cầu Hồng Hà và Mễ Sở nằm trên Vành đai 4 đã được Thủ tướng chỉ đạo phải thông xe vào năm 2024. Sở GTVT đang chuẩn bị triển khai thêm ba cầu cũng rất quan trọng bắc qua sông Hồng gồm: Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc", ông Thành cho hay.

Mỗi cây cầu là một điểm nhấn du lịch

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý đối với Hà Nội, các cây cầu xây dựng trong thời gian tới, ngoài chất lượng công trình, cần chú trọng đến tính thẩm mỹ, để "mỗi cây cầu là một sản phẩm du lịch" phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy 2 vừa được đưa vào sử dụng là cây cầu đầu tiên của Việt Nam có hệ thống chiếu sáng trang trí với những cột đèn chiều cao khác nhau.

Hệ thống đèn trang trí được thiết kế với ý tưởng Hà Nội trải qua bao thăng trầm vẫn vững bước đi lên, phát triển và tỏa sáng. Khung trang trí cột đèn có hình ảnh Khuê Văn Các trên đầu chim lạc, là những biểu tượng tiêu biểu của Thủ đô.

Tháng 6/2022, phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được lựa chọn có tên gọi "Sự thịnh vượng vĩnh cửu trên sông Hồng".

Thiết kế được lấy cảm hứng từ ấn tượng về không gian mênh mông trải rộng trên dòng sông Hồng, một dòng sông có cả chiều dài về lịch sử, chiều rộng về không gian.

Đây sẽ là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng có thêm hai làn xe đạp, vỉa hè dành cho người đi bộ và đài vọng cảnh cho người dân ngắm cảnh… Ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh, có ghế ngồi để người dân có thể dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tạo điểm nhấn kết cấu. Với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng, cầu và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,5km, gồm 6 nhịp.

Đại diện nhóm tác giả, kiến trúc sư Katashi Niwa - Tổng giám đốc Công ty TNHH kiến trúc Niwa, cho biết: "Chúng tôi lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa một Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên vòng kết nối vô tận".

Phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên cũng đã được TP phê duyệt năm 2020 với tên gọi "Thăng Long". Cầu được thiết kế hiện đại với các nhịp lớn, có hệ khung kết cấu thép nhẹ, tạo nên sự thanh thoát cho công trình. Điểm nhấn của công trình là hai hệ trụ được tạo hình 4 con rồng đang từ mặt nước vút bay lên trời cao. Kết hợp hệ thống dây văng, gợi cảm giác thôi thúc khát vọng vươn cao, vươn xa.

Cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3, khu vực đô thị của huyện Đông Anh với trung tâm TP. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía bắc sông Hồng. Cây cầu sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân và giảm áp lực giao thông cho các cầu khác như Long Biên, Chương Dương hay Đông Trù.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-ky-vong-diem-nhan-du-lich-tu-10-cau-vuot-song-hong-192230926005703952.htm