Hà Nội: Kinh doanh quảng cáo chờ gỡ rối

(HQ Online)- Việc TP.Hà Nội ban hành chỉ thị nhằm chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong hoạt động kinh doanh quảng cáo khiến các doanh nghiệp hết sức lo lắng. Việc chấn chỉnh không có gì sai, song trong bối cảnh để "tự phát" quá lâu, nay "vung tay dẹp đồng loạt" sẽ không chỉ làm doanh nghiệp thiệt hại nhiều tỷ đồng mà còn tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng.

Quảng cáo ngoài trời còn nhiều lộn xộn do DN làm sai quy định và thiếu quy hoạch. (Ảnh: Hoàng Minh )

Thiếu quan tâm

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 3-8 của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Hà Nội sẽ xử lý cưỡng chế, tháo dỡ các bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn thành phố sau một tháng Chỉ chị ban hành.

Trước đó, trong một cuộc họp về quản lý kinh doanh quảng cáo tại Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra cho biết, các biển quảng cáo ngoài trời bị tháo dỡ trong thời gian tới đều không được cấp phép và có dấu hiệu vi phạm trốn thuế. Việc vi phạm biển quảng cáo còn nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng như phá giá thị trường quảng cáo.

Trên thực tế, việc xử lý vi phạm quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội đã là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Ví dụ như tại các đường bao quanh thành phố, mật độ quảng cáo khá dày, diện tích lớn, mọc ngay trên các đảo phân luồng giao thông có thể khiến che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông. Bên cạnh đó, theo Sở VH-TT Hà Nội, nhiều biển quảng cáo xã hội hóa “quên” mất mục đích tuyên truyền cho các ngày lễ lớn, không làm đúng chức năng.

Như vậy, với việc thực hiện rốt ráo và quyết liệt như trên, nhìn từ khía cạnh quản lý đô thị thì đây là một hành động đúng đắn nhằm xử lý những DN sai quy định. Nhưng đứng từ góc độ kinh doanh, với việc “đường đột” tháo dỡ 190 biển quảng cáo (ước tính trị giá khoảng 190 tỷ đồng) sẽ gây thiệt hại lớn, thậm chí dẫn đến phá sản hàng loạt các DN trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho hay, từ trước tới nay, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý chưa có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động kinh doanh quảng cáo, đặc biệt là ngành quảng cáo ngoài trời. Vì thế, các DN kinh doanh quảng cáo phát triển cầm chừng, một phần do kinh tế khó khăn, một phần do cơ chế và thủ tục hành chính chưa tạo điều kiện, nhiều luật làm khó DN khiến không ít DN kinh doanh trái phép, sai quy định.

“Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Quảng cáo cùng nhiều nghị định, quy định liên quan đến kinh doanh quảng cáo. Nhưng cái vướng ở chỗ nhiều luật đang chồng chéo lên nhau. Ví dụ như DN muốn làm quảng cáo biển bảng ngoài trời phải xin cấp phép xây dựng theo Luật Xây dựng, DN phải đi xin chuyển quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Nhưng làm quảng cáo chỉ cần vài mét vuông nên rất khó đi xin, khó được cấp phép nên dẫn đến tình trạng DN làm liều, làm bừa”, ông Hùng chia sẻ.

Chờ quy hoạch

Ngay sau khi Chỉ thị số 16/CT-UBND được ban hành, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các doanh nghiệp đã gửi công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, VCCI, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội. Mặc dù đồng tình với nhận định và Chỉ thị từ UBND TP.Hà Nội, tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, để dẫn đến tình trạng trên có những nguyên nhân sâu xa xuất phát từ công tác quản lý của các cơ quan chức năng.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, TP.Hà Nội đã chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Về mặt pháp lý, thành phố chưa thực hiện đúng Điều 38 Luật Quảng cáo quy định cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày luật có hiệu lực”.

Trên thực tế, nhiều tỉnh chưa làm quy hoạch mới nhưng vẫn cho các quảng cáo đã nằm trong quy hoạch cũ được tiếp tục thực hiện đến khi có quy hoạch mới ban hành hoặc được bổ sung làm mới nếu xét thấy đề án phù hợp quy định đang xây dựng. Nhờ đó, hoạt động quảng cáo ở hầu hết các địa phương được diễn ra bình thường. Riêng Hà Nội vẫn còn hạn chế các DN.

Không những thế, việc Hà Nội chậm ban hành quy hoạch nhưng lại không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm dẫn đến hệ quả là một số DN phải ngừng hoạt động vì không được cấp phép hoặc thỏa thuận của cơ quan quản lý. Hoặc phần lớn DN đã tìm cách phá rào, chấp nhận vi phạm, chịu phạt, chịu bị xử lý để duy trì công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên.

Đó là còn chưa kể tới khá nhiều DN mới ra đời cũng nhảy vào lĩnh vực quảng cáo, nhân cơ hội chưa có quy hoạch để làm ăn chụp giật, bất chấp quy định. Đối tượng này là thủ phạm chính trong việc gây nên tình trạng lộn xộn về quảng cáo hiện nay.

“Hiệp hội cho rằng đây là một nguyên nhân khá quan trọng khiến tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên cả nước nói chung và đặc biệt của Hà Nội nói riêng rất khó giải quyết. Nhiều năm qua, Hiệp hội nhận thấy hầu như thành phố chưa có một văn bản nào mang tính chất khuyến khích nghề nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển”, văn bản nêu rõ.

Chính từ những bất cập trên, khi chưa có quy hoạch, ông Trần Hùng cho rằng, trước mắt, UBND TP.Hà Nội cần có sự phân loại các hình thức, mức độ vi phạm của các bảng quảng cáo để có sự xử lý khác nhau tránh gây thiệt hại cho DN đồng thời cũng tạo được nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế mà các đơn vị này đóng góp.

Cụ thể, TP.Hà Nội có thể giữ lại với loại bảng nằm trong quy hoạch cũ và Sở đang tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ để chờ quy hoạch mới thì có thể giữ lại; loại bảng đã được cho phép xây dựng dưới hình thức xã hội hóa để phục vụ chính trị kiêm quảng cáo; loại bảng nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng của các trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe… Các sở, ngành chỉ nên xử lý triệt để với loại bảng do DN làm chui, chộp giật, đánh lẻ, bất chấp quy định.

Về vấn đề “hậu” quy hoạch, có thông tin cho rằng sau khi dẹp các biển quảng cáo chưa đúng quy hoạch, Sở VH-TT Hà Nội sẽ thực hiện đấu thầu quảng cáo. Trước những “ì xèo” về thủ tục hành chính lâu nay, các DN kinh doanh quảng cáo tỏ ra nghi ngại có sự dàn xếp trước cho một hoặc chia cho nhiều đơn vị thực hiện. Nếu các DN khác trúng thầu thì coi như các DN quảng cáo hiện nay mất trắng, đứng trên bờ vực phá sản. Như vậy, hoạt động kinh doanh của DN cần chấn chỉnh theo đúng pháp luật là điều cần thiết nhưng phải có biện pháp đi từ thực tiễn chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính, điều này sẽ khiến DN mất lòng tin vào môi trường kinh doanh của địa phương và tiếp tục có những hành vi lách luật, vi phạm.

Theo các DN, ngành quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội còn nhiều nỗi “nhọc nhằn”, như chính sách của Sở VH-TT Hà Nội lúc cấp phép, lúc tạm ngưng, ảnh hưởng của mưa bão khiến DN lại phải giải thích, tự chịu chi phí làm lại biển và tự đền bù vi phạm hợp đồng với các đối tác.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-kinh-doanh-quang-cao-cho-go-roi.aspx