Hà Nội kiến nghị ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường học khu vực nội thành

Hà Nội kiến nghị Chính phủ ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học công lập trong khu vực nội thành cho thành phố Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường Cao đẳng, Đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ra khỏi khu vực nội đô.

Đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với đoàn công tác của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 8/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, một số phường trong các quận nội thành Hà Nội thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh do dân số trên địa bàn phường quá đông.

Hầu hết các trường trong các quận nội thành có diện tích đất quy mô nhỏ, số học sinh/lớp đông ảnh hưởng đến kết quả công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: HNP

Bài liên quan

Hà Nội tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà

Hai nghi phạm dùng súng giả cướp ngân hàng ở Hà Nội sa lưới

Tây Hồ (Hà Nội): Người dân bức xúc trước sự nhếch nhác của dự án mở rộng đường Âu Cơ

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm áp lực lên hệ thống các trường công lập.

Đặc biệt, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học công lập trong khu vực nội thành cho thành phố Hà Nội khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường Cao đẳng, Đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… ra khỏi khu vực nội đô.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành còn chưa đồng đều và đang có xu hướng giãn ra; Quản trị trường học cũng chưa theo kịp xu hướng phát triển của xã hội và chậm so với các ngành, lĩnh vực khác, thậm chí ngay trong nội bộ ngành, giữa khối công lập và ngoài công lập.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HNP

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong những năm tới, Hà Nội xác định tập trung đầu tư cho Văn hóa, Giáo dục và Y tế, xác định đây là 3 trụ cột để phát triển bền vững Thành phố.

Hà Nội cũng xác định GD&ĐT Thủ đô phải là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước, tiến tới cạnh tranh khu vực và quốc tế. Muốn vậy, ngoài những kiến nghị đã được nêu, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô; đồng thời, cần có quy chế, quy chuẩn đặc thù đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội.

Hà Nội cần ưu tiên quỹ đất để hỗ trợ các trường

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, sở dĩ trong 10 năm qua chưa di dời được các trường Đại học ra khỏi nội đô là do thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế và quỹ đất.

Nhấn mạnh việc di dời các trường khỏi nội đô là cần thiết để nâng cao cơ sở vật chất cho các trường và cho sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng Hà Nội cần có quy hoạch rõ ràng, ưu tiên quỹ đất hình thành các khu đô thị, cụm đại học để tạo cơ chế, hỗ trợ các trường di dời khỏi nội đô nhưng vẫn ở Thủ đô.

Chia sẻ với những khó khăn đối với các trường học trong khu vực nội thành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, Thành phố cần tập trung giảm sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học để đảm bảo chất lượng đầu ra. Muốn vậy, Thành phố cần quan tâm bố trí các quỹ đất sạch cho trường tư phát triển, cùng với đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo công bằng giữa khu vực trường công và tư.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HNP

Để giáo dục Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, Thành phố cần quan tâm tới quỹ đất tạo ra không gian phát triển mới trong giáo dục theo hướng thực chất, không chạy theo hình thức. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo và chất lượng chuẩn đào tạo.

Đồng thời, có các chính sách đặc thù để khuyến khích trong phát triển giáo dục như: Giải quyết tốt vấn đề thừa thiếu giáo viên; giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; phát huy tính đặc thù, lợi thế Thủ đô trong xã hội hóa, phát triển trường ngoài công lập. Đặc biệt, quan tâm hơn vấn đề phát triển đảng để nâng chất lượng đào tạo trong các trường học...

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-kien-nghi-uu-tien-quy-dat-cho-xay-dung-truong-hoc-khu-vuc-noi-thanh-post184564.html