Hà Nội kiến nghị Chính phủ nhiều nhóm vấn đề tạo động lực phát triển Thủ đô

Sáng 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP.

Thực hiện thành công mục tiêu kép

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ đô Hà Nội có vị trí, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, với diện tích lớn thứ 17 trên thế giới; có 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2, đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.

 Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Trong thời gian qua, TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá toàn diện các mặt công tác; đạt được những kết quả khá tích cực, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; triển khai bài bản, quyết liệt, hoàn thành tốt mục tiêu kép, phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT - XH; xây dựng và quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, nhất là hạ tầng giao thông đã đưa vào vận hành đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh - Hà Đông; tập trung triển khai đường Vành đai 4; hoàn thành hầm chui nút giao thông Lê Văn Lương.

Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có bước tiến bộ; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được chú trọng; giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, từ cơ sở vật chất cho tới chất lượng dạy và học.

Hà Nội giữ vững vai trò lá cờ đầu của cả nước về giáo dục đào tạo. Văn hóa xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định. Tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Về kinh tế, thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...

Về kết quả phát triển KT - XH, trong 4 tháng đầu năm 2023 tổng thu NSNN trên địa bàn là gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ.

Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%) - đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD tăng 260% so với cùng kỳ.

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô. Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022.

An sinh xã hội được đảm bảo; tổ chức tốt công tác chăm lo và các hoạt động Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; đảm bảo mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Giá trị văn hóa và con người Hà Nội được quan tâm, đầu tư, phát huy.

 Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc

Hàng loạt kiến nghị liên quan đến các công trình giao thông trọng điểm

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã nêu hàng loạt kiến nghị liên quan đến các công trình giao thông trọng điểm.

Cụ thể, về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Về triển khai dự án thành phần 3 (Dự án PPP), kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban QLDA chuyên ngành TP là chủ đầu tư thực hiện tiểu Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do nhà đầu tư thực hiện.

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 kiến nghị. Trong đó, sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5/2023).

Đối với Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), để đảm bảo việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho TP sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…

Đối với lĩnh vực nhà ở, trong đó về phát triển nhà ở xã hội, đề nghị Chính phủ cho phép TP Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội.

Về phát triển nhà ở tái định cư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội. Cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội.

Về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước không phải mục đích để ở, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất.

Trong đó giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý và quy định việc sử dụng số tiền thu được từ khai thác quỹ nhà, đất này. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị…

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-kien-nghi-chinh-phu-nhieu-nhom-van-de-tao-dong-luc-phat-trien-thu-do-post246602.html