Hà Nội giảm 708 tỷ/năm tiền cắt cỏ: Ai chịu trách nhiệm?

Việc để lãng phí tiền cắt cỏ hàng năm phải được truy cứu trách nhiệm, đồng thời, nên có cơ chế thoáng để nhà thầu tư nhân vào tham gia.

Phải chịu trách nhiệm trước dân

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa qua đã có báo cáo, theo thống kê, chi phí duy tu, duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố năm 2011 là 215 tỷ đồng, đến năm 2016 dự toán lên đến 886 tỷ đồng.

Tập thể lãnh đạo thành phố đã họp và thấy chi phí như trên là không hợp lý, yêu cầu tính lại đơn giá định mức. Riêng năm 2016, tiền cắt cỏ giảm từ 886 tỷ còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 28/9, ông Trung - Giám đốc Cty TNHH Cảnh Quan Phương Trung (TPHCM) cho biết: "Việc tiết kiệm vài trăm tỷ đồng như vậy trong 1 năm là quá lớn, người dân VN nghèo, đất nước kinh tế đang khó khăn, chỉ cần vài chục triệu đã thấy lớn, huống chi vào trăm tỷ.

Hơn nữa, chứng tỏ số tiền lãng phí cho việc duy tu, cắt cỏ hàng năm là quá nhiều, chỉ riêng 2016 đã là hơn 700 tỷ, cộng dồn các năm trước đây thì lên mấy nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nó cũng chứng tỏ số tiền thực chi ra cho cắt cỏ, duy tu cây xanh hàng năm cũng không đến mức quá lớn, chỉ là do sự lãng phí của các bộ phận liên quan".

Điểm quan trọng, theo ông Trung, những người làm lãng phí ngân sách phải chịu trách nhiệm trước việc làm thất thoát tiền của dân.

Số tiền hàng năm lãng phí quá lớn

Bên cạnh đó, theo ông Trung, hiện nay chúng ta còn tồn tại cơ chế bảo thủ, việc xấu thì luôn che đậy và phát triển ngầm, nên người dân khó lòng biết được.

Thực sự cây xanh là mỹ quan của đô thị thành phố, nếu muốn làm thì vẫn làm được không nhất thiết phải cắt giảm hết, cái quan trọng hiện nay là chi phí quản lý đội ngũ nhân sự và đội ngũ con người, không tính toán được nhân lực nhận được bao nhiêu công việc trong 1 ngày. Chính việc này dẫn đến nhiều việc phát sinh, chi phí đội lên cao.

Ví dụ: các công ty cây xanh thành phố quản lý nhân sự, năm nay nhân viên có 1000 người, với diện tích cây xanh 4000ha, lương cơ bản 4 triệu đồng, nhân lên 1 tháng đã là 4 tỷ đồng. Năm mới phát sinh thêm cây cỏ, diện tích tăng lên 6000ha, đội ngũ nhân viên như cũ, nhưng chi phí được hưởng tăng lên, thì lương nhân viên tự tăng.

Chứ không nên tính khi diện tích tăng gấp đôi thì cũng tăng gấp đôi lượng nhân viên để ăn cả lương cơ bản và chi phí cho việc chăm sóc.

"Nói đi nói lại đất nước còn khó khăn, lương cán bộ ai cũng thấp so với thu nhập xã hội, làm ăn chân chính để đủ nuôi vợ con, nhà cửa ổn định thì khó lắm. Vì thế, nên việc tham ô, tham nhũng tiền ngân sách ắt sẽ tồn tại, chúng ta quản lý ra sao mới là chuyện quan trọng", ông Trung nói rõ.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty TVS Hà Nội cho biết: "Việc tiết kiệm được tiền nhiều như vậy là việc tốt, nhưng cần có những tính toán để có mức chi phí phù hợp.

Với những sự lãng phí trước đây, các đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm, không được trốn tránh".

Đấu thầu nên có cửa cho nhà thầu tư nhân

Ở góc độ khác, theo ông Hưng, nếu như trước đây các dự án của nhà nước, công ty tư nhân không bao giờ có cửa, thì bây giờ hãy làm khác đi.

Ông Hưng chỉ rõ: "Ngành nghề nào cũng cần đến đấu thầu công khai, minh bạch, bình đẳng, chẳng qua chỉ là trên chỉ đạo dưới có thực hiện hay không. Còn Hà Nội nếu làm được việc đấu thầu công khai là rất tốt.

Khi có dự án đấu thầu trọng điểm, những dự án lớn thì các cơ quan báo chí, truyền thông phải thông tin đến các DN qua các đường như tivi, đài phát thanh, mạng Internet, chứ không phải thông báo đơn giản, chỉ những người trong ngành biết với nhau.

Trong đó nêu rõ, tiêu chí đấu thầu, yêu cầu với nhà thầu ra sao, ai bỏ thầu thấp nhất, đảm bảo chất lượng thì được lựa chọn".

Phân tích kỹ hơn, ông Trung lại cho rằng, từ trước đến nay, Công ty cây xanh Hà Nội, Công ty cây xanh TPHCM họ bao thầu toàn bộ 2 thành phố HN, TPHCM, không có cửa cho nhà thầu tư nhân.

Nhưng điều lạ là, các công ty nhà nước này thường đứng ra đấu thầu, xong rồi bán lại cho nhiều nhà thầu nữa, rồi ăn chia % trong đó, như vậy thì giá lúc nào chả cao, trong đó, số tiền đi qua các cửa thầu đã chiếm đến hơn 1 nửa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-giam-708-tynam-tien-cat-co-ai-chiu-trach-nhiem-3319665/