Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc uốn ván trong năm

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa có thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp.

Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Ảnh minh họa

Trong 25 trường hợp trên, 3 người đã tử vong.

Cụ thể, bệnh nhân nam, 66 tuổi trú tại huyện Ba Vì. Ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc uốn ván. Bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.

Trao đổi về căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Nguyễn Quốc Phương - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên là Clostridium tetani gây ra. Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... kể cả người. Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh”.

Theo chuyên gia này, nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.

Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.

Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

TS.BS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lý giải, nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương rất nhỏ như giẫm phải gai, đinh, ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo.

“Đáng quan ngại hơn khi đây là căn bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5 - 10 ngày, nên thường tạo ra tâm lý chủ quan cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, thậm chí tử vong”, bác sĩ Sáng cho biết.

“Tất cả mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng một việc rất dễ dàng và đơn giản, đó là tiêm phòng vắc-xin”, bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-ghi-nhan-25-ca-mac-uon-van-trong-nam-post663513.html