Hà Nội đưa giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất

Hỗ trợ người dân đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất là hoạt động thường xuyên của ngành nông nghiệp Hà Nội trong những năm gần đây.

Thay đổi tư duy sản xuất

Vụ Đông 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã đưa giống ngô nếp lai mới HN268 vào sản xuất tại xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức), với quy mô 20ha. Đây là giống mới do Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam lai tạo, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các giống ngô cũ.

Mô hình sản xuất ngô nếp lai giống mới HN 268 tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mỹ Đức Trần Thị Toan thông tin, giống ngô HN268 có chất lượng vượt trội, bắp to dài, khi chế biến chín có vị thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giống ngô HN268 năng suất đạt 15 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn/ha so với các giống ngô nếp khác, hiệu quả kinh tế cao hơn 12 triệu đồng/ha. Đây là giống ngô nếp có thể giúp các địa phương mở rộng diện tích cây trồng vụ đông trên đất cấy lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Cũng trong vụ Đông 2023, ngành nông nghiệp Hà Nội còn hỗ trợ các địa phương đưa giống khoai tây mới Jelly và Julinka có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Các mô hình này được triển khai với quy mô 55ha tại các huyện: Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh.

Mô hình sản xuất khoai tây giống mới Jelly được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trọng Tùng

Chia sẻ về những lợi ích khi đưa giống mới vào sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Đại Phát (xã Phú Phương, huyện Ba Vì) cho hay: hợp tác xã tham gia trồng 12ha khoai tây giống mới đã cho thu hoạch, chất lượng đạt tiêu chuẩn, mẫu mã đẹp; năng suất trung bình đạt 14 tấn khoai/ha, giá bán 10.500 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha.

Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, việc xử lý phụ phẩm khoai tây trồng vụ Đông còn tạo nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây lúa vụ Xuân, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, để hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã đưa các giống mới vào sản xuất. Các giống cây trồng mới này đều cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Không những vậy, các giống mới đưa vào sản xuất đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất nông nghiệp của người dân; đồng thời, kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm từ cây giống tới quá trình chăm sóc, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Mở rộng vùng trồng gắn với tiêu thụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất còn gặp không ít thách thức. Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ; việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật của một số hộ dân còn hạn chế. Mặt khác, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó khăn cho việc hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn…

Để tháo gỡ khó khăn và tiếp tục nhân rộng các vùng sản xuất giống mới, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh kiến nghị, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ xây dựng những mô hình trình diễn canh tác một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao và nhân rộng ra các địa phương khác.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giống cây trồng mới có tiềm năng, năng suất, chất lượng, tập huấn để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, gieo trồng theo vùng tập trung và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã trong xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm khi đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao giá bán trên thị trường.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến; đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất an toàn, nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính tại các vùng sản xuất.

Để việc canh tác bằng giống mới phát huy hiệu quả, các địa phương cần thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; xây dựng các mô hình phù hợp với khả năng tiếp thu, trình độ của người dân ở từng vùng khác nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu ở mỗi địa phương, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dua-giong-cay-trong-chat-luong-cao-vao-san-xuat.html