Hà Nội: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP

Đề xuất giải pháp quản lý trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP.

Đó là giải pháp được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề xuất tại hội thảo: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trên địa bàn Hà Nội, số cơ sở thực phẩm nhiều và ngày càng tăng (năm 2011 có 47.840 cơ sở, năm 2016 có 59.109 cơ sở). Có 425 chợ dân sinh phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 117 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại.
Tổng số nhân lực làm công tác quản lý ATTP: 11.946 người nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách. Đặc biệt ngành Công thương chưa có mạng lưới ở tuyến xã, phường.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hải

Ngành Y tế trang bị bộ test xét nghiệm nhanh ATTP cho 30 Trung tâm Y tế quận huyện thị xã và 584 Trạm Y tế. Ngành Nông nghiệp trang bị xe lưu động xét nghiệm nhanh nông thủy sản. Các đội quản lý thị trường được trang bị xét nghiệm nhanh ATTP.
Về phân công trách nhiệm quản lý ATTP, theo Luật ATTP, Nghị định 38/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 13/2014//TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT với nguyên tắc cụ thể hóa trách nhiệm quản lý ATTP theo chuỗi và quản lý toàn diện theo địa giới hành chính: Ngành Y tế quản lý: Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền, thực phẩm chức năng, Phụ gia thực phẩm, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chất hỗ trợ chế biến, rượu bổ, dụng cụ bao gói chứa đựng trực tiếp thực phẩm. Quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sản xuất ban đầu chăn nuôi, trồng trọt, thu hái đánh bắt khai thác, giết mổ, chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Ngành Công thương quản lý rượu bia nước giải khát, dầu thực vật, bánh mứt kẹo, sản phẩm chế biến từ tinh bột, chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại.
UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn quản lý toàn diện công tác ATTP trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hàng năm UBND TP xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác ATTP, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã cụ thể hóa bằng các kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện;
Để xử lý các điểm nóng về ATTP, UBND TP thành lập 5 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn ký kết Quy chế phối hợp phối hợp và triển khai chuyên đề trọng tâm quản lý ATTP. Triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ATTP để kịp thời xử lý.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua công tác quản lý ATTP được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, triển khai sớm, theo đúng chỉ đạo của cấp trên, vào cuộc quyết liệt, bài bản và đúng quy định pháp luật.
Công tác quản lý ATTP thời gian qua cũng có sự phối hợp phối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Công an) với các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền các cấp và có sự chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn của đơn vị Trung ương. Phân công rõ trách nhiệm quản lý theo ngành và chính quyền các cấp phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội.
Thực hiện đảm bảo mục tiêu, nội dung các chương trình, dự án, Đề án, mô hình điểm. Xây dựng mô hình ATTP tuyến phố văn minh hưởng ứng năm trật tự văn minh đô thị bước đầu đạt kết quả tốt. Việc quản lý ATTP Dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được đẩy mạnh.
Trên cơ sở trên, giai đoạn 2016 - 2020 Sở Y tế đề xuất một số giải pháp như: Thành ủy ban hành Chỉ thị về công tác bảo đảm ATTP để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đưa các tiêu chí về công tác ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ tiêu khen thưởng. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP
Đẩy mạnh thông tin, giáo dục truyền thông, chú trọng phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, duy trì chuyên trang, chuyên mục về "An toàn thực phẩm".
Triển khai hiệu quả chương trình “Chung tay vì ATTP giai đoạn 2015 - 2020”, phát động phong trào thi đua ATTP.
Về công tác chuyên môn kỹ thuật, theo ông Trần Văn Chung cần tăng cường năng lực của các đơn vị quản lý nhà nước về ATTP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; Xây dựng hệ thống cảnh báo, xử lý sự cố ATTP; tăng cường đầu tư về nguồn lực đầu tư; tăng cường sự giám sát của người dân và cộng đồng về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-thanh-tra-kiem-tra-xu-ly-vi-pham-ve-attp-274383.html