Hà Nội: Đánh giá, phân loại F1, F2 theo nguy cơ đặc thù

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao cho Sở Y tế tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù (như với các trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, có đeo khẩu trang, đứng trong cùng khoang thang máy với người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn).

UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì phối hợp, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm thường quy, sàng lọc theo chỉ định chuyên môn, tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người - Ảnh minh họa: PC

UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì phối hợp, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm thường quy, sàng lọc theo chỉ định chuyên môn, tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người - Ảnh minh họa: PC

Tối 26/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 25/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo UBND TP Hà Nội, từ 11/10 đến 25/11, thành phố đã ghi nhận 4.817 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với 1.704 ca (chiếm tỷ lệ 35,43%), đồng thời số ca lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên.

Dịch bệnh xuất hiện trên 30/30 quận, huyện, thị xã trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.

Trước diễn biến trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn: Các khu dân cư (mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, khu vệ sinh); chợ dân sinh; trung tâm thương mại; nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao các cơ sở khám chữa bệnh,… và các khu vực có sự kiện tập trung đông người.

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động các Cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì phối hợp, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tương ứng với các khu vực, địa bàn; xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cho học sinh và giáo viên; xét nghiệm thường quy, sàng lọc theo chỉ định chuyên môn, tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người.

Đáng chú ý, tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn (như với các trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, có đeo khẩu trang, đứng trong cùng khoang thang máy với người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn).

Chủ tịch UBND TP Hà Nôi yêu cầu Công an TP tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoại tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR tại nhà ga sân bay, bến tàu, bến xe, ga tàu điện trên cao, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, các trạm kiểm soát và ứng dụng (VN-eID) do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân giúp công dân khai báo di chuyển nội địa để kiểm soát người về từ các địa phương khác…/.

Phạm Cường

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/ha-noi-danh-gia-phan-loai-f1-f2-theo-nguy-co-dac-thu-598247.html