Hà Nội: Chuyên gia gỡ khó, giúp người dân làm nông hiệu quả

Thông qua diễn đàn khuyến nông, nông dân Hà Nội đã có cơ hội được trao đổi trực tiếp, lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp những cái khó trong sản xuất nông nghiệp, cũng như được cập nhật tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới giúp làm nông hiệu quả.

Sáng 21/9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ; cùng đội ngũ cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Gỡ khó cho người nông dân

Nuôi cá nhiều năm, bà Nguyễn Thị Đạt nắm khá rõ về kỹ thuật làm sạch môi trường ao nuôi, trong đó có việc phải xử lý sạch và phơi ao 15 ngày trước khi xuống giống. Tuy nhiên, gần đây, khi thả cá trắm, nuôi được một thời gian thì nước chuyển màu xanh khiến cá chết nhiều.

Lý giải về băn khoăn của bà Đạt, PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết màu xanh của nước nhiều khả năng là do tảo xanh, xuất hiện khi cây cỏ xung quanh ao mọc um tùm. Ngoài ra, nếu không nuôi kèm cá mè (loài ăn tảo) thì màu nước càng xanh.

Ban cố vấn Diễn đàn Khuyến nông đều là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Theo đó, PGS.TS Kim Văn Vạn khuyến nghị bà Đạt và các nông hộ nên chú trọng nuôi ghép, bổ sung những loài ăn tạp, ví dụ như cá mè. Đây là loài cá cho giá trị kinh tế không quá cao, nhưng ăn tạp, không cạnh tranh thức ăn với các loài khác và có khả năng giảm lượng tảo xanh trong ao.

Dự diễn đàn, ông Bùi Văn Thể bày tỏ băn khoăn về việc những diện tích bưởi của gia đình một vài vụ gần đây thường chín sớm, quả bị khô. TS Cao Văn Chí - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có núi (Viện nghiên cứu rau quả) cho rằng, nguyên nhân nhiều khả năng đến từ việc mưa nhiều. Để khắc phục tình trạng này, bà con cần theo dõi sát sinh trưởng, cắt tỉa những quả bưới dưới gầm bị chín sớm, kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật.

Xuất hiện tại các tỉnh phía Nam đã lâu, gần đây, “lúa ma” đã được ghi nhận tại một số tỉnh, TP phía Bắc, trong đó có huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Liên quan đến câu hỏi về xuất hiện “lúa ma” trên đồng ruộng của nông dân Cao Văn Vượng, TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, “lúa ma” có đặc tính trổ bông sớm, râu dài, dễ rụng và hạt tồn tại lâu trong đất.

“Trước mắt, biện pháp thủ công quan trọng nhất là làm cỏ kỹ và nhỏ bỏ sớm. Ngoài ra, do ‘lúa ma’ trổ bông sớm hơn nên bà con cần theo dõi sát diễn biến sinh trưởng để cắt bỏ, tránh ảnh hưởng đến những diện tích lúa khác…” - TS Ngô Vĩnh Viễn khuyến nghị.

Khoa học kỹ thuật giúp sản xuất an toàn

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ, toàn huyện hiện có gần 7.000ha đất nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên, phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Thời gian qua, huyện chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và coi đây là bước đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng nho hạ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Phúc Thọ.

Đến nay, huyện đã phát triển được vùng trồng 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả; 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng cao; hình thành 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp. Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú…

Thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp. Khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn…

Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP với sự tham gia của Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho hay, Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, TP về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, ông Dân cho rằng nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.

Liên quan đến việc vay vốn Quỹ khuyến nông, ông Đoàn Đức Dân - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, có hai hình thức vay: sản xuất và cơ giới hóa, với điều kiện là cần có phương án sản xuất phù hợp. Về điều kiện tham gia mô hình khuyến nông, có những điều kiện riêng với từng mô hình, nhưng quy định chung dự án phải phù hợp quy hoạch, chủ thể có điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp và vốn đối ứng.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-chuyen-gia-go-kho-giup-nguoi-dan-lam-nong-hieu-qua.html