Hà Nội cho phép phân lô, tách thửa trở lại: Đón 'sóng' ở đâu?

Giới chuyên gia nhận định, việc Hà Nội đã cho phép phân lô, tách thửa, đất nền ven đô trở lại sẽ là động lực cho thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng, sau 1 năm trầm lắng.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã quyết định bãi bỏ yêu cầu tạm dừng phân lô, tách thửa. Theo quyết định này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Giới chuyên gia nhận định, việc Hà Nội đã cho phép phân lô, tách thửa, đất nền ven đô trở lại sẽ là động lực cho thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng, sau 1 năm trầm lắng.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển nhà vườn TAT cho biết, việc siết phân lô, tách thửa từ đầu năm 2022 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ ra sổ đỏ cho khách hàng.

 Giới chuyên gia nhận định, việc Hà Nội đã cho phép phân lô, tách thửa, đất nền ven đô trở lại sẽ là động lực cho thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng, sau 1 năm trầm lắng. (Ảnh: BĐS)

Giới chuyên gia nhận định, việc Hà Nội đã cho phép phân lô, tách thửa, đất nền ven đô trở lại sẽ là động lực cho thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng, sau 1 năm trầm lắng. (Ảnh: BĐS)

Dự án của công ty ông thông thường sẽ ra sổ đỏ cho khách hàng ngay sau khi ký hợp đồng mua bán. Nhưng từ năm ngoái đến nay việc ra sổ đỏ khó khăn do quy định tạm dừng phân lô, tách thửa.

“Quy định cởi trói cho phân lô, tách thửa của Hà Nội vừa qua sẽ giúp thị trường bất động sản có thanh khoản. Những dự án đầy đủ pháp lý sẽ thực hiện được đúng cam kết về sổ đỏ với khách hàng”, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản nhận định, việc Hà Nội cho phép tách thửa trở lại, các khu vực ngoại thành, ven đô có quỹ đất rộng như Hòa Lạc, Sơn Tây hay Ba Vì sẽ được hưởng lợi.

Theo ông Tuấn, các khu vực ven đô nêu trên trước năm 2022 rất sôi động, thậm chí có thời điểm còn xảy ra “sốt” đất. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do nhiều yếu tố đã khiến đất nền tại khu vực này giảm nhiệt rõ rệt.

“Ngoài các yếu tố chung như tín dụng thắt chặt, khó tiếp cận vốn để đầu tư bất động sản, thị trường hạ nhiệt sau 1 thời gian tăng trưởng quá nóng, thì yêu cầu không cho phép phân lô tách thửa vào cuối tháng 3 năm ngoái đã tác động trực tiếp tới tính thanh khoản tại các khu vực này”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn đánh giá, việc Hà Nội cho phép tách thửa sẽ giúp thị trường có động lực tăng trưởng, nhưng yếu tố này là chưa đủ để “phục sinh” đất nền ven đô.

“Trước đó, thị trường đất nền ven đô như Ba Vì, Sơn Tây, nhất là khu vực Hòa Lạc tăng trưởng quá nóng, giá bị đẩy lên rất cao, phi thực tế. Do đó, việc Hà Nội cho phép tách thửa chỉ là một yếu tố nhỏ, không đủ để tạo ra “sóng” cho khu vực này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cũng cho rằng, dù được tách thửa trở lại nhưng hiện nay mức giá phải hợp lý, người mua mới sẵn sàng xuống tiền. Theo ông Điệp, việc này sẽ chỉ giúp thanh khoản cao hơn so với 6 tháng trước nhưng mức giá phải điều chỉnh.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Tuy nhiên, mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đề nghị kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa .

Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời, có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Chính vì vậy, ngày 26/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội ban hành văn bản số 2869 về việc bãi bỏ văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-cho-phep-phan-lo-tach-thua-tro-lai-don-song-o-dau-post247202.html