Hà Nam khẩn trương khoanh vùng, dập ổ dịch tả lợn châu Phi

Từ ngày 29/3, đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngay khi nhận được tin báo từ hộ dân có ổ dịch, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Hà Nam đã khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu chuồng trại phòng dịch tả lợn châu Phi.

Ổ dịch xảy ra trên đàn lợn 29 con của gia đình ông Nguyễn Văn Tuynh, xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên. Theo ông Tuynh, ban đầu, ông phát hiện đàn lợn của gia đình ông xuất hiện các triệu chứng: sốt, bỏ ăn, cơ thể tím tái... Ông đã báo ngay đến các cơ quan chức năng để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi mẫu bệnh phẩm lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả châu Phi, các cơ quan chức năng đã phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, không để dịch lây lan. Đồng thời, tiến hành ngay các biện pháp vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và dừng tất cả các đàn lợn của gia đình từ 4 đến 6 tháng sau mới tái đàn.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên cho biết: Địa phương đã thông tin, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi biết để tiến hành các biện pháp phòng trừ, tránh các nguồn thông tin không chính xác gây tâm lý hoang mang, lo ngại ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác, đồng thời thành lập đoàn đi rà soát kiểm tra việc phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột bảo đảm vệ sinh môi trường các hộ chăn nuôi dân xung quanh.

Chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi di động tại xã Yên Nam.

Xác định đây là ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Duy Tiên hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Yên Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gồm: tổ chức tiêu hủy 29 con lợn mắc bệnh của gia đình ông Nguyễn Văn Tuynh theo quy định; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh; lập chốt chống dịch để kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn ra vào vùng dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của xã nhằm phát hiện sớm các trường hợp lợn ốm chết khác; thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-nam-khan-truong-khoanh-vung-dap-o-dich-ta-lon-chau-phi-post803002.html