Hạ lãi suất, ngân hàng lợi, doanh nghiệp hờ hững

Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia thì trong câu chuyên này chỉ ngân hàng hưởng lợi.

Ảnh minh họa.

Chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất (từ 14% xuống 13% và từ 13% xuống 12%). Mặc dù đã tiên lượng được việc hạ lãi suất song quyết định này khiến không ít người bất ngờ. Theo đại diện của OceanBank thì hầu hết khách hàng của ngân hàng đều tỏ ra khá bất ngờ và hụt hẫng , bởi hầu hết đều cho rằng khoảng cuối quý 2 mới là thời điểm hạ chứ không phải đầu quý 2 như thực tế.

Nhưng dẫu sao thì lãi suất cũng đã hạ. Lần thứ hai, Ngân hàng Nhà nước “chốt hạ” lãi suất đầu vào và chỉ “kỳ vọng” lãi suất đầu ra. Nếu như lần trước Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ dao động trong khoảng 14,5% - 16,5%/năm thì lần này, Thống đốc kỳ vọng “nếu DN nào mà gọi là DN tốt, đủ điều kiện để vay vốn theo các quy định hiện hành thì hoàn toàn có thể vay vốn được ở mức 14% - 16%”.

Thông tin từ đồng nghiệp Vneconomy cho biết, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất, e-mail của tòa báo này nhận thông tin từ một chi nhánh ngân hàng thuộc nhóm 1 (theo cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng tín dụng) cho biết, họ bắt đầu triển khai gói tín dụng mới với lời giới thiệu: “Giảm lãi suất cho vay đối với DN”.

Điểm được nhấn mạnh của thông tin này là lãi suất cho vay theo giới thiệu “giảm” nói trên thấp nhất là 18,5%/năm(!?)- mức lãi suất khá xa so với mức lãi suất Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng. Điều này cũng cho thấy, trước khi giảm lãi suất (lần thứ hai) thì lãi suất mà DN vay được chắc không dưới 20%/năm.

Nói đi thì cũng phải nói lại bởi thực tế có ngân hàng đã họp báo công bố hoặc thông tin đến báo chí mức lãi suất cho vay đã giảm, có ngân hàng mức này thấp nhất là 13%/năm (cho vay khắc phục bão lũ của BIDV) song thực tế DN tiếp cận được các gói tín dụng giá rẻ kiểu như thế này không nhiều bởi như các ngân hàng vẫn thường nói “ngân hàng cũng là DN”.

Đại diện Hiệp hội DN TP. HCM phát biểu trên Chương trình Bản tin Tài chính của VTV 1 trưa qua, 12/4 cũng cho biết hầu như các DN của TP.HCM rất hờ hững với thông tin hạ lãi suất bởi thực tế nhiều DN không hề tiếp cận được với nguồn vốn rẻ như các ngân hàng công bố. “Ngay hôm Ngân hàng Nhà nước công bố hạ lãi suất, có DN đã liên hệ với ngân hàng và nhận được câu trả lời rằng lãi suất vẫn theo hợp đồng đã ký…”- ông này cho biết.

Nếu như thông tin hạ lãi suất không có ý nghĩa nhiều với DN thi ngược lại điều này đặc biệt có ý nghĩa với người gửi tiền bởi chưa đầy 1 tháng, lãi suất đã hạ 2%/năm. Và cũng chưa bao giờ gửi tiền kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng hạ.

Thông tin lãi suất sẽ hạ được xem là “bảo bối” giúp các ngân hàng thuyết phục khách hàng gửi kỳ hạn dài hơn so với kỳ hạn 1 tháng thông thường suốt thời gian dài vừa qua. Vừa có nguồn vốn dài hạn, vừa cho vay ra với lãi suất “hạ” lấy lệ, bất chấp “kỳ vọng” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia thì trong câu chuyên này ngân hàng chính là người hưởng lợi. Theo ông Tuyển, lãi suất cần khống chế là lãi suất cho vay chứ không phải huy động.

Có một thực tế mà chắc Ngân hàng Nhà nước không muốn thừa nhận là: bởi lãi suất huy động hạ nên không ít ngân hàng buộc phải “mặc cả” lãi suất với khách hàng và lãi suất thực cho khoản tiền lớn đã lên tới 15- 16%/năm, cá biệt lên tới 18%/năm và chỉ áp dụng với khách quen. Với mức lãi suất huy động “đi đêm” như vậy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay “lấy lệ” cũng là điều dễ hiểu.

Hiểu My

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201204/Ha-lai-suat-ngan-hang-loi-doanh-nghiep-ho-hung-2065802/