Hạ lãi suất, lợi nhuận ngân hàng 'trôi' về đâu?

Việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay cũng có mặt tiêu cực là có thể sẽ khiến cho hệ số NIM co lại, lợi nhuận của các TCTD vì thế mà giảm đi. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu tốt đối với DN.

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 10/7. Ngay sau đó, thị trường đã liên tục đón nhận thông tin rất nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất cho vay trên thị trường đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, cần chú ý một điểm khá đặc biệt trong lần này là NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi. Do đó, có nhiều ý kiến băn khoăn liệu rằng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có bị suy giảm?

Về bản chất, lợi nhuận ngân hàng lâu nay vẫn luôn phụ thuộc vào tín dụng, ngay cả với ngân hàng lớn. Thực tế cho thấy, trong năm qua, tất cả các ngân hàng đều có tỷ lệ thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt trên 75% tổng thu nhập.Điều này đang cho thấy sự “lệch pha” giữa huy động và cho vay.

Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Điều này đang cho thấy sự “lệch pha” giữa huy động và cho vay.

Ảnh minh hoạ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc hạ lãi suất điều hành sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng lãi suất: “Các ngân hàng đều sử dụng các công cụ như tái chiết khấu, tái cấp vốn. Do đó, khi lãi suất của họ giảm thì cũng sẽ chuyển tải lợi ích đó cho khách hàng. Trong khi đó, bản thân một số nhà băng cũng giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên 0,5%, mặc dù mức giảm chưa sâu nhưng cũng đáng kể. Và điều này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất chung”.

Dù vậy, động thái lần này của NHNN và các ngân hàng thương mại sẽ có tác động như thế nào đến mặt bằng lãi suất chung thì vẫn cần thêm thời gian mới có thể xác định được, bởi dù nhiều nhà băng nói có chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên nhưng trên thực tế lãi suất vẫn còn cao, chỉ có một số doanh nghiệp đặc biệt, có quan hệ tốt với ngân hàng, có tình hình tài chính tốt cùng với món vay lớn thì mới được cho vay với lãi suất ưu đãi.

Một điểm khá đặc biệt trong lần này, là NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là một động thái khôn ngoan của Nhà điều hành trong bối cảnh hiện nay.

TS.Hiếu cũng cho rằng, lãi suất cho vay hạ thì NIM của ngân hàng nhìn chung sẽ giảm, nhưng mức độ giảm đến đâu thì còn phụ thuộc vào việc nhà băng thực hiện chỉ đạo ở mức nào. Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng vẫn có thể được duy trì nếu có thể giảm các loại chi phí như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng…

Ngoài ra, có ý kiến băn khoăn vì sao NHNN chỉ điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên mà không thể cao hơn, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp và bàn bạc rất kỹ, chúng tôi đã đề xuất mức giảm như vậy. Bởi nếu giảm sâu quá, đương nhiên doanh nghiệp sẽ hài lòng nhưng sẽ có những tác động khác".

Ông lý giải, thứ nhất, ngân hàng sẽ không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp. Thứ hai, hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của Việt Nam sau khi trừ chi phí đang ở mức khoảng 2%. Trong khi đó, các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều, tại Trung Quốc con số này vào khoảng 3%, Philippine và Indonesia vào khoảng trên 4%. Như vậy nếu giảm sâu hơn thì hệ thống ngân hàng không thể chịu đựng được trong bối cảnh nợ xấu còn cao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, DN cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần này là một tín hiệu tốt đối với DN, nền kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong khi gánh nặng chi phí, nhất là chi phí vốn vay ngân hàng còn cao như hiện nay.

TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét đây là tín hiệu thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tình hình tái cơ cấu ngân hàng… Điều này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường.

Việc hạ lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước thuận lợi hơn. Bởi lãi suất giảm sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tài chính đi lên, qua đó giúp cổ phần hóa nhanh hơn và sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Động thái giảm lãi suất điều hành sẽ giúp hỗ trợ giảm chi phí cho các ngân hàng, DN liên quan. Đơn giản là khi nguồn cung vốn từ NHNN với giá rẻ hơn so với trước đây thì các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để đẩy mạnh cho vay với lãi suất cho vay thấp hơn, tức giảm gánh nặng cho người vay.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ha-lai-suat-loi-nhuan-ngan-hang-troi-ve-dau-202459.htm